Sán dây lợn, ấu trùng sán dây lợn thường có ở những thực phẩm nào khiến người nhiễm bệnh?
Thông tin phát hiện tổ sán dây lợn trong não nam bệnh nhân 55 tuổi khiến nhiều người lo lắng không biết sán dây lợn và ấu trùng sán dây lợn thường có ở những thực phẩm nào khiến người nhiễm bệnh?
Ấu trùng sán dây lợn, sán dây lợn lây nhiễm như nào?
Bệnh sán dây lợn là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra do trứng, ấu trùng sán dây lợn. Người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm, nước uống bị ô nhiễm có chứa ấu trùng sán lợn hoặc trứng sán dây lợn chưa được nấu chín. Thông thường sán dây lợn có 2 thể mắc:
- Bệnh do ấu trùng sán dây lợn: Ở thể ấu trùng sán dây lợn là do người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn. Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể. Trong đó có thể chúng đi đến cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau của bệnh. Những người mắc sán dây lợn trưởng thành trong ruột, khi đốt già rụng, theo phản ứng nhu động ruột mà đốt sán có thể trào ngược lên dạ dày và lúc này như là ăn phải trứng sán dây lợn với số lượng rất lớn (tự nhiễm).
- Bệnh sán dây lợn trưởng thành: Do người bệnh ăn phải thịt lợn sống chưa được nấu chín, tiết canh… có chứa các ấu trùng sán (thịt lợn gạo). Khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 4 mét, chúng ký sinh trong ruột của người bệnh.
Biểu hiện khi nhiễm bệnh sán dây lợn
Nếu mắc bệnh sán dây trưởng thành người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít.
Những trường hợp nhiễm ấu trùng sán thì có hiện tượng nổi sần, nổi cục trên da, xuất hiện các cục tại hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thủy tinh thể. Một số trường hợp ấu trùng ký sinh trong não gây đau đầu, co giật, động kinh…
Tuy nhiên đa phần khi mắc sán lợn cơ thể sẽ có cơ chế tự bảo vệ và đào thải ấu trùng sán lợn, chỉ có số ít là gây ra các biểu hiện của bệnh. Các bệnh giun sán nói chung, khi vào cơ thể đều chiếm thức ăn, dẫn đến việc kém hấp thu, làm chậm phát triển thể lực, gây rối loạn tiêu hóa.
Ấu trùng sán lợn gây nguy hiểm nhất là khi tấn công vào não và vào tim, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể để lại các biến chứng. Một số trường hợp ấu trùng sán lợn ký sinh trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù, cũng có trường hợp tử vong do bị ấu trùng tấn công vào hệ thần kinh trung ương nhưng ít gặp.
Khi nào cần nhập viện?
Câu hỏi đặt ra của nhiều người là khi nào cần xét nghiệm bệnh sán dây lợn? Trên thực tế, những người có các biểu hiện sau thì nên đến cơ sở y tế để xét nghiệm chẩn đoán bệnh sán dây lợn.
– Có biểu hiện bứt rứt khó chịu: Tình trạng này do đốt sán tự rụng, thải ra ngoài qua hậu môn hoặc theo phân khi đi vệ sinh (đốt sán có màu trắng ngà như xơ mít), rối loạn tiêu hóa nhẹ, đau bụng kéo dài…
– Xuất hiện nổi sần, nổi cục trên da: Nhiễm ấu trùng sán lợn có dấu hiệu xuất hiện các cục tại hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thủy tinh thể… kích thước bằng hạt gạo, hạt đỗ, di động, không ngứa, không đau.
– Xuất hiện co giật, động kinh:Những dấu hiệu nghi ngờ do ấu trùng sán lợn gây ra trên não như: co giật, động kinh, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội… Nhất là những người có tiền sử ăn tiết canh, thịt chưa nấu chín, nem chạo,… các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cần phải tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Điều trị và phòng bệnh bệnh sán lợn
Bệnh sán lợn cần phải được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán thải ra để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.
Bệnh sán dây lợn được điều trị khỏi hoàn toàn bằng các thuốc đặc trị theo sự chỉ định của bác sĩ.
Thông thường, trứng và ấu trùng sán lợn sẽ chết khi thức ăn được nấu ở nhiệt độ trên 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi 100 độ C trong 2 phút.
Vì vậy, phòng bệnh giun, sán nói chung và bệnh sán dây lợn nói riêng chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
– Cần "ăn chín, uống sôi", ăn thức ăn được nấu chín không ăn các thực phẩm còn sống như thịt lợn tái, tiết canh… sẽ có nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành; ăn các loại rau sống không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn.
– Quản lý nguồn chất thải từ phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Không phóng uế bừa bãi để tránh nguồn lây ra cộng đồng. Các hộ chăn nuôi lợn phải thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, không nuôi lợn thả rông.
– Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.