Sàn giao dịch dữ liệu: Đòn bẩy cho nền kinh tế số tại Việt Nam
Theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới có thể ví như một loại 'dầu mỏ' và sàn giao dịch dữ liệu có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế theo nhiều cách.
Dự thảo Luật Dữ liệu (sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8 khai mạc tháng 10/2024) đã đề xuất thành lập sàn giao dịch dữ liệu dưới sự quản lý của Bộ Công an, cung cấp dịch vụ mua bán, trao đổi hợp pháp và an toàn.
Theo đại diện Bộ Công an, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam.
Theo Chiến lược dữ liệu quốc gia đã được Thủ tướng ban hành, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 5 sàn giao dịch dữ liệu.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS) đã có những nhận định về vai trò của sàn giao dịch dữ liệu với sự phát triển của nền kinh tế cùng những thách thức đang chờ đợi phía trước.
Đòn bẩy cho nền kinh tế số
Trong thời đại số hóa, mọi quyết định của tổ chức, doanh nghiệp đều cần dựa trên dữ liệu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong chuyển đối số thì dữ liệu sẽ là trung tâm. Tuy nhiên, thực tế chỉ các doanh nghiệp lớn, sở hữu nền tảng, dịch vụ có hàng triệu người dùng là có lợi thế về dữ liệu.
Đa số các doanh nghiệp, tổ chức hiện nay đều không có dữ liệu đủ để phân tích, giải quyết các bài toán của riêng mình. Từ đó nảy sinh những nhu cầu rất lớn về mua bán, trao đổi dữ liệu. Bên cạnh đó, Trí tuệ nhân tạo AI cũng đòi hỏi một lượng dữ liệu lớn để thông minh hơn, trưởng thành hơn. Do đó, hơn bao giờ hết, sàn giao dịch dữ liệu là vô cùng cần thiết tại thời điểm này.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, sàn giao dịch dữ liệu ra đời không chỉ giúp các hoạt động liên quan đến dữ liệu diễn ra một cách minh bạch và an toàn, mà còn đảm bảo tính hợp pháp cho các giao dịch này. Điều này tạo ra một môi trường tin cậy cho cả người mua và người bán, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sàn giao dịch dữ liệu có thể hiểu là nơi thực hiện chức năng giao dịch, trao đổi, mua bán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp đến các chủ thể yêu cầu dịch vụ.
Mặt khác, sàn giao dịch dữ liệu có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế theo nhiều cách. Đầu tiên, nó cho phép chia sẻ dữ liệu hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng tìm thấy và mua bán dữ liệu cần thiết cho hoạt động kinh doanh và hoạch định chiến lược của họ.
Bên cạnh đó, sàn giao dịch cũng cung cấp các sản phẩm khác liên quan là dịch vụ phân tích và khai thác dữ liệu, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa giá trị từ dữ liệu mà họ sở hữu. Nhiều doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc khai thác dữ liệu, nhưng với sàn giao dịch, họ sẽ có nhiều lựa chọn hợp lý và hợp pháp.
Hơn nữa, việc có dữ liệu từ nhiều nguồn sẽ kích thích sự đổi mới sáng tạo, cho phép doanh nghiệp phát triển các ý tưởng, chiến lược và sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sàn giao dịch cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp giảm chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp. Việc trao đổi dữ liệu qua sàn giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý liên quan đến việc mua bán dữ liệu không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng dịch vụ không tin cậy. Thêm vào đó, sàn giao dịch sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn về dữ liệu, đồng thời được giám sát và quản lý độc lập để tuân thủ đúng quy định.
Thách thức với sàn giao dịch dữ liệu
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển như ở châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, châu Á đã bước đầu có những sàn giao dịch dữ liệu và đạt những thành công nhất định. Các quốc gia sớm có sàn giao dịch dữ liệu không chỉ xây dựng những nền tảng mạnh mẽ cho việc chia sẻ dữ liệu mà còn sớm có điều kiện để hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách để hỗ trợ phát triển. Trong đó thúc đẩy sự hợp tác giữa các khu vực công và tư nhân, giúp khai thác dữ liệu một cách hiệu quả và bền vững.
Mặc dù sàn giao dịch dữ liệu cho phép trao đổi sản phẩm liên quan đến dữ liệu, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng các dữ liệu được phép trao đổi thường là dữ liệu phi cá nhân hoặc đã được sự đồng ý của chủ thể.
Điều này đảm bảo rằng không phát sinh thêm các nguy cơ mới về lộ lọt dữ liệu cá nhân. Luật cũng sẽ quy định rất rõ các dữ liệu được mua bán trao đổi, định hướng chung sẽ là các dữ liệu không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn sàn giao dịch dữ liệu cũng không thể tránh khỏi các nguy cơ an ninh mạng như các hệ thống công nghệ thông tin khác.
Các cuộc tấn công từ chối dịch vụ hay tấn công mã hóa dữ liệu gây gián đoạn hoạt động, các hình thức tấn công có chủ đích APT nhằm đánh cắp và chỉnh sửa dữ liệu đều có thể xảy ra. Do đó, việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống cũng cần được quan tâm, chú trọng.
"Sàn giao dịch dữ liệu không chỉ là một xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số mà còn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo và đảm bảo tính hợp pháp trong các giao dịch dữ liệu. Tuy sẽ có nhiều nguy cơ an ninh mạng không tránh khỏi, nhưng với những kinh nghiệm đảm bảo an ninh mạng, ứng phó sự cố đã có trong nước, chúng ta sẽ làm được và làm tốt việc bảo vệ cho sàn giao dịch dữ liệu bằng chính nguồn lực của Việt Nam," ông Vũ Ngọc Sơn khẳng định./.