Sân khấu dành cho thiếu nhi: Chờ đợi một sự 'chuyển mình'

Đến hẹn lại lên, vào mỗi dịp hè, các đơn vị nghệ thuật lại chuẩn bị những vở diễn, tiết mục mới lạ, hấp dẫn để thu hút thiếu nhi. Năm nay, nhiều nhà hát đã đổi mới từ kịch bản, kỹ thuật biểu diễn đến hợp tác quốc tế để đem đến những kỹ xảo, hình thức biểu diễn mới...

“Xôm tụ” sân khấu hè 2024

Chào đón Tết thiếu nhi 1/6 và mùa hè 2024, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục triển khai dự án thường niên “Mùa hè yêu thương”. Đây là dự án thường niên của Nhà hát với 4 vở diễn: “Bữa tiệc của Elsa”, “Vị vua không ngai”, “Giải cứu bà nội”, “Zorba - chú mèo thám tử”.

Trong số này, vở “Vị vua không ngai” được dàn dựng từ kịch bản cùng tên, từng đoạt giải A trong Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu phục vụ thiếu niên, nhi đồng do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức năm 2023.

 Cảnh trong vở kịch “Vị vua không ngai” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT

Cảnh trong vở kịch “Vị vua không ngai” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT

Hai vở diễn “Giải cứu bà nội” và “Zorba - chú mèo thám tử” đánh dấu sự hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và nhà hát quốc tế. “Giải cứu bà nội” có sự phối hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Bốn bàn tay - một trong những nhà hát trình diễn nghệ thuật múa rối cho trẻ em hàng đầu tại Bỉ. Vở nhạc kịch “Zorba - chú mèo thám tử” là kết quả hợp tác dàn dựng và trình diễn giữa Nhà hát Tuổi trẻ với Nhà hát Sangsang Maru (Hàn Quốc).

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt dành cho thiếu nhi với chủ đề “Hành trình kỳ diệu” gồm 3 vở diễn: “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, “Rồng thần trở lại” và “Biệt đội siêu anh hùng”. Trong đó, tác phẩm do đạo diễn người Nhật Hiroyuki Muneshige dàn dựng “Bộ quần áo mới của hoàng đế” đã khởi động mùa kịch thiếu nhi từ đầu tháng 5/2024 và thu được những phản hồi tích cực từ phụ huynh cũng như các em thiếu nhi.

Hai vở diễn “Rồng thần trở lại”, “Biệt đội siêu anh hùng” có sự kết hợp của bộ đôi NSND Xuân Bắc, Tự Long trong vai trò đạo diễn - kịch bản cũng hứa hẹn những đêm diễn hút khách. Còn vở “Rồng thần trở lại” là phiên bản sân khấu chuyển thể từ tác phẩm đình đám “Bảy viên ngọc rồng” nhưng được thể hiện dưới góc nhìn mới mẻ, hài hước. Vở diễn này cũng vừa giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, diễn ra vào trung tuần tháng 5/2024 vừa qua.

 Cảnh trong vở “Rồng thần trở lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Cảnh trong vở “Rồng thần trở lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Về phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, để phục vụ các em thiếu nhi mùa hè 2024, đơn vị đã dàn dựng, cho ra mắt vở xiếc “Giấc mơ tuổi thần tiên”. Vở diễn gồm 3 phân cảnh: “Ký ức tuổi thơ”, “Cuộc chiến cam go” và “Ánh sáng tương lai”. Bằng ngôn ngữ và đặc thù riêng của nghệ thuật xiếc, vở diễn sẽ dẫn dắt các em nhỏ vào một thế giới trong mơ, gặp gỡ và tương tác với các nhân vật siêu nhân yêu thích, ca ngợi lòng dũng cảm, đề cao tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh để vượt qua khó khăn, chống lại cái ác, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ con người…

Ở phía Nam, “thương hiệu” phục vụ khán giả thiếu nhi lâu năm là nhà hát kịch IDECAF vẫn tiếp tục chương trình “Ngày xửa ngày xưa” nay đã ở số 35: “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần”. Sân khấu Sen Việt cũng mang đến vở nhạc kịch dân ca “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Điểm độc đáo của vở diễn này là ca từ đều lấy từ các bài ca dao, dân ca, hò, vè, lý của vùng đất Nam bộ. “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” được đánh giá cao không chỉ bởi vừa giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất mà còn giúp các em thiếu nhi tìm hiểu về lịch sử dân tộc và mang đến những bài học đáng nhớ về văn hóa truyền thống Nam bộ.

 Một cảnh trong vở nhạc kịch “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của sân khấu Sen Việt.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của sân khấu Sen Việt.

Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B cũng chuẩn bị cho mùa hè này bằng vở “Trạm cứu hộ động vật hoang dã”. Với nội dung mang nhiều sắc màu trẻ thơ, âm nhạc vui tươi, vở diễn mang tới thông điệp bảo vệ thú rừng lồng ghép trong câu chuyện về tình bạn, tình yêu thiên nhiên, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Ngoài ra, theo thông tin từ các nhà hát, nhiều vở kịch thiếu nhi khác cũng ra mắt khán giả nhí trong dịp hè này như chương trình xiếc “Ầu ơ - thanh âm đầu đời” của nhà hát nghệ thuật Phương Nam; series “Truyện thần tiên 2 - Mễ Cốc phiêu lưu ký” của sân khấu Trương Hùng Minh, vở “Colora - Xứ sở rực rỡ” của sân khấu Ban Mai…

 Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 35: “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần”. Ảnh: Trâm Thảo

Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 35: “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần”. Ảnh: Trâm Thảo

Trẻ em không còn hứng thú với lối chọc cười dễ dãi

Có thể thấy, các đơn vị sân khấu lớn nhỏ đều chuẩn bị kịch mục khá phong phú để biểu diễn phục vụ thiếu nhi mùa hè. So với những năm trước, các chương trình hè năm nay đa dạng, hấp dẫn hơn. Các nhà hát đã nỗ lực mang đến “làn gió mới” cho sân khấu thiếu nhi bằng cách kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật; hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế; khai thác các vở diễn cũ đã quen thuộc theo hướng mới... Những chuyển động tích cực đó hứa hẹn mang đến cho các em thiếu nhi những “bữa tiệc” nghệ thuật hấp dẫn, kéo được khán giả nhí đến với sân khấu trong dịp hè.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những nỗ lực “làm mới” của các nhà hát, vẫn còn đó những vấn đề chưa được giải quyết. Sân khấu thiếu nhi vẫn mang tính mùa vụ khi hầu hết các nhà hát chỉ làm vở mới, tổ chức các đêm diễn tập trung vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, nghỉ hè hay Trung thu… Chỉ một số ít đơn vị như Nhà hát Tuổi trẻ, sân khấu thiếu nhi IDECAF, Liên đoàn Xiếc Việt Nam là có sự đầu tư dài hơi, có các vở diễn để phục vụ các khán giả nhỏ tuổi vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm.

 Vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, số lượng chỉ dăm bảy vở diễn mới mỗi năm là con số quá khiêm tốn đối với nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức nghệ thuật của các em thiếu nhi. Thực trạng này phản ánh khá rõ tại Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, khi chỉ có 14 đơn vị nghệ thuật góp mặt với 17 tác phẩm. Theo TS. Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 14 đơn vị tham gia là “quá ít” so với số lượng các đơn vị nghệ thuật hùng hậu trong cả nước hiện nay.

Cũng tại Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trăn trở tìm hướng phát triển cho sân khấu thiếu nhi. Đặc biệt, những người làm nghệ thuật không khỏi “giật mình” trước ý kiến của em Nguyễn Như Khôi - Đại sứ trẻ em Việt Nam, hiện đang là học sinh lớp 12.

Như Khôi cho rằng, những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi không thể làm theo kiểu dễ dãi, gây cười, nhảm nhí, bởi điều này giờ đây không còn thích hợp với trẻ em. Theo em, giới trẻ hiện nay thích xem những hình thức nghệ thuật mới, nên sân khấu muốn thu hút cần đẹp, hiện đại; nội dung tác phẩm phải dễ hiểu, đem lại tiếng cười. Khi dàn dựng và biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá, so với nhu cầu đời sống tinh thần của thiếu niên, nhi đồng, các tác phẩm sân khấu phục vụ lứa tuổi này hiện còn rất khiêm tốn. Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng là dịp tổng kết, tìm ra phương cách xây dựng các chương trình, kịch, mục dành cho thiếu nhi; đồng thời cũng là “đòn bẩy” để các đơn vị nghệ thuật có trách nhiệm hơn đối với đời sống tinh thần của các em nhỏ, khắc phục những khó khăn khi xây dựng các chương trình phục vụ thiếu nhi.

“Tuy không kỳ vọng quá nhiều và phải thực hiện dần dần, nhưng thông qua Liên hoan, các đơn vị nghệ thuật sẽ có nhiều trăn trở hơn đối với việc nâng cao chất lượng phục vụ thiếu nhi, góp phần xây dựng nhân cách các chủ nhân tương lai của đất nước” - NSND Trịnh Thúy Mùi kỳ vọng.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/san-khau-danh-cho-thieu-nhi-cho-doi-mot-su-chuyen-minh-post297393.html