Sân khấu Lệ Ngọc giành giải lớn tại Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc – ASEAN
Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 10 vừa diễn ra tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc sân khấu Lệ Ngọc đã xuất sắc giành nhiều Huy Chương Vàng cả ở hạng mục vở diễn lẫn hạng mục diễn viên. Đây là lần thứ 10 liên tiếp sân khấu Lệ Ngọc tham gia và được vinh danh.
Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc – ASEAN là sự kiện giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhân dân giữa các nước Trung Quốc và ASEAN nhằm thúc đẩy tình hữu nghị hòa bình trong cộng đồng khối các nước, thắt chặt tình ngoại giao nhân dân đồng thời giới thiệu các loại hình, tiết mục nghệ thuật sân khấu đặc sắc của các đoàn, các quốc gia. Lần lượt, có 26 vở diễn thuộc các thể loại như Kinh kịch (Trung Quốc), kịch múa Khon (Thái Lan), kịch múa rối, kịch nói, chèo (Việt Nam)… đã được trình diễn. Nổi bật, gây xúc động mạnh mẽ, cũng là vở diễn giành được Huy chương vàng xuất sắc tại Tuần lễ là vở “Lá Đơn Thứ 72” và vở “Lôi Vũ” đều của sân khấu Lệ Ngọc.
Vở diễn Lá Đơn Thứ kể về vụ án oan được Bác Hồ chỉ đạo điều tra lại từ hơn nửa thế kỷ trước. Vở diễn không chỉ mô tả niềm tin vào Đảng, Nhà nước và tình cảm xúc động của các nhân vật mà còn thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách cùng sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được đánh giá cao về lời thoại sinh động, nội dung mang đậm tính nhân văn, thời đại, vở diễn còn nổi bật bởi sự diễn xuất tài tình, chân thực của nghệ sĩ Văn Hải– người đã từng hơn 200 lần xuất sắc vào vai thể hiện hình tượng Bác Hồ. Ngắm phục trang, động tác, giọng nói và cả cách thoại của nghệ sĩ Văn Hải nhiều khán giả của Tuần lễ, nhất là những khán giả là người Việt đã sống lâu năm tại Trung Quốc rơi nước mắt bởi tất cả đều rất giống Bác lúc sinh thời.
Cùng với vở kịch “Lá đơn thứ 7”, sân khấu Lệ Ngọc còn mang đến vở kịch Lôi Vũ. Có thể nói đây là một sự lựa chọn khá tinh tế của những người đứng đầu, điều hành sân khấu. Lôi Vũ là vở kịch được viết vào năm 1933 bởi nhà viết kịch Trung Quốc Tào Ngu. Đây là một trong những tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của Trung Quốc trong thời kỳ trước chiến trang Trung – Nhật, mô tả sinh động bối cảnh đời sống xã hội, xu hướng tư tưởng, tâm lý của người dân Trung Quốc tại thời kỳ đó. Cả hai vở diễn đều được đánh giá cao và vinh dự nhận được Huy chương vàng. Đồng thời diễn viên của vở cũng nhận được Huy chương vàng cá nhân đầy thuyết phục.
Việc lựa chọn hai vở diễn “Lá đơn thứ 72” và “Lôi Vũ” với những nội dung xoay quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam và bối cảnh hai đất nước cùng thời kỳ tại một Tuần lễ giao lưu văn hóa đối ngoại kết nối mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn bó tình cảm sâu sắc giữa hai quốc gia, cũng là sự tinh tế của ban lãnh đạo sân khấu. (Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Matxcova của Liên Xô trước đây đến Quảng Châu, Trung Quốc, sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước. Tại đây, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có các chuẩn bị cần thiết về công tác lý luận, tuyên truyền, tổ chức… tạo cơ sở cho việc trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như liên lạc thành công với một số nhà hoạt động cách mạng đến từ các quốc gia, dân tộc bị áp bức, bóc lột khác để cùng thành lập đoàn thể cách mạng, tiến hành đấu tranh).
Có thể nói, thành công của sân khấu Lệ Ngọc tại Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc – ASEAN là một thành công lớn đối với không chỉ ngành sân khấu mà còn với cả cộng đồng những khán giả yêu nghệ thuật sân khấu Việt. Phần thưởng chính là sự khích lệ, sự tuyên dương và các giải thưởng danh giá song cao hơn đó chính là sự theo dõi, ủng hộ, tôn vinh từ hàng triệu trái tim khán giả yêu sân khấu trong, ngoài nước dành cho một sân khấu tư nhân. Trong bối cảnh thế giới giải trí có nhiều tác động đa chiều, phức tạp bởi vô vàn các loại hình, cách thức thể hiện nghệ thuật mới việc một sân khấu tư nhân bền bỉ xây dựng, phát triển, tỏa sáng suốt nhiều năm liền, liên tục tham gia các hoạt động quốc tế và giành giải lớn là rất đáng trân trọng.