Sân khấu trước những lựa chọn thích nghi: Giải pháp nào hiệu quả?
Vừa trở lại được một thời gian ngắn, nhiều nhà hát ở Thủ đô đã buộc phải gác lại chương trình biểu diễn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Những đòi hỏi từ thực tiễn buộc họ phải tìm ra cách đi phù hợp trong tình hình mới.
Dự án sân khấu theo hình thức giãn cách Happy@Home (hay Happy at Home) do Viện Goethe và Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện. Ảnh: Viện Goethe
Sân khấu online - nhiều cái khó
Trong giai đoạn 1 chống dịch Covid-19, công chúng được chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí từ biểu diễn trực tiếp sang hình thức trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Đó là xu hướng thời đại nhưng thực tế không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có thể áp dụng thành công.
Ý tưởng về nhà hát online được nhen nhóm từ lúc đó, khi các nhà hát cảm thấy quá sốt ruột trước tình cảnh “đóng cửa chờ đợi” không biết đến bao giờ. Khi đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn họp với một số nhà hát để lấy ý kiến và Đề án Nhà hát online được kỳ vọng giúp “phá băng”, đưa nghệ thuật đến với đông đảo khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn sau đó trình kế hoạch lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm phối hợp với các kênh truyền thông, tìm kiếm nguồn xã hội hóa, phương án hỗ trợ kỹ thuật... Tuy nhiên, đến nay, ý tưởng này chưa thành hiện thực bởi chưa thuyết phục được các nghệ sĩ.
Khó khăn lớn nhất là về mặt kỹ thuật. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng: “Với điều kiện hiện nay, đa số nhà hát chỉ ghi hình ở dạng tư liệu lưu trữ chứ không thể phát online. Nếu phát triển nhà hát online thì phải đầu tư kỹ lưỡng, bằng không sẽ phản tác dụng”. Còn theo NSƯT Trần Lực, cái hay của sân khấu là sự giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả, bây giờ giao lưu... qua máy quay thì càng phải đầu tư công phu hơn. NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nhận định: “Đa số các đơn vị nghệ thuật công lập đều không có đủ kho lưu trữ nội dung chất lượng cao, điều kiện thu hình cũng như kênh phát hành online không có hoặc rất kém”.
Bên cạnh đó, khó khăn về doanh thu cũng là điều mà các nghệ sĩ hết sức lo ngại khi phát triển sân khấu theo mô hình online. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, với một tác phẩm sân khấu, tiết mục xiếc, nghệ sĩ có thể biểu diễn hàng trăm suất, nhưng nếu phát online thì chỉ diễn một lần, như thế sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập của nghệ sĩ.
Giải pháp nào khả thi?
Biểu diễn trực tiếp thì khó bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, còn diễn online lại không đủ năng lực kỹ thuật, không bảo đảm doanh thu... Vậy sân khấu phải làm gì trong điều kiện bình thường mới hiện nay?
Theo NSƯT Sĩ Tiến, sân khấu giãn cách có thể là giải pháp hiệu quả và lâu dài nếu phải sống chung với dịch hoặc ở những hoàn cảnh tương tự. Thay vì nghĩ tới khán phòng đầy ắp, các nhà hát nên “pha loãng khán giả” vào nhiều suất diễn; yêu cầu khán giả có ý thức đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn và một số biện pháp phòng dịch khác. Mới đây, đạo diễn này cùng với Viện Goethe Hà Nội đã triển khai Dự án sân khấu Happy@Home theo hình thức giãn cách với khoảng 100 khán giả đeo khẩu trang chia làm 4 nhóm, lần lượt xem 4 vở kịch ngắn về đề tài giãn cách xã hội ngay trong không gian của Viện Goethe. Đây là những điều rất mới mẻ cả với diễn viên và khán giả: Diễn viên phải diễn liên tục 4 suất và khán giả phải di chuyển chỗ ngồi tới 4 lần trong một đêm diễn. Cách thức này phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội.
Mặc dù sân khấu giãn cách là một sáng kiến hay, dễ thực hiện trong điều kiện hiện tại, lại tạo hứng thú cho khán giả bởi sự mới mẻ, song có một câu hỏi đặt ra là: Sân khấu giãn cách có thực sự an toàn? Thực tế, việc tìm kiếm một hình thức biểu diễn trực tiếp an toàn trước dịch Covid-19 là câu hỏi khiến không chỉ các nghệ sĩ Việt Nam mà cả ngành nghệ thuật biểu diễn trên thế giới cũng rất muốn tìm câu trả lời. Mới đây, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Y tế thuộc Đại học Halle (Đức) đã tiến hành một thử nghiệm nhằm tìm ra cách để các sự kiện văn hóa và thể thao vẫn có thể diễn ra an toàn trong mùa dịch. Khoảng 1.500 tình nguyện viên đã được mời tới dự một buổi hòa nhạc tại một nhà thi đấu ở thành phố Leipzig (Đức) vào ngày 22-8 để phục vụ nghiên cứu cách thức lây lan Covid-19 ở những nơi tụ tập đông người. Kết quả chưa được công bố song thử nghiệm này cho thấy, dù ở cả những nước phát triển có điều kiện kỹ thuật tiên tiến thì biểu diễn trực tiếp vẫn đóng vai trò sống còn trong hoạt động nghệ thuật, cần phải tìm mọi cách để khôi phục.