Sản lượng tiêu thụ của Vicem Hà Tiên sẽ cải thiện mạnh trong năm 2024

Theo Chứng khoán Mirae Asset, doanh thu dự phóng của Vicem Hà Tiên năm 2024 được cải thiện, đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 4,9%, lợi nhuận ròng dự kiến phục hồi mạnh mẽ lên 325 tỷ đồng, tăng 264% so với cùng kỳ, nhờ chi phí đầu vào giảm mạnh.

Sản lượng tiêu thụ của Vicem Hà Tiên dự kiến đạt 6,23 triệu tấn trong năm 2024.

Sản lượng tiêu thụ của Vicem Hà Tiên dự kiến đạt 6,23 triệu tấn trong năm 2024.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, thị trường trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do mất cân đối cung - cầu, bên cạnh đó, nguồn cung xi măng hiện nay đã vượt xa so với nhu cầu nhưng vẫn có các dự án mới sắp đi vào vận hành.

Đây đều là các dự án công suất lớn 2 triệu tấn trở lên, thậm chí có dự án của doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nam có công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm.

Trong giai đoạn 2020 – 2022, sản lượng tiêu thụ nội địa của ngành xi măng Việt Nam đều dưới ngưỡng 65 triệu tấn, tương đương với chỉ 50% công suất của ngành xi măng Việt Nam (trên 120 triệu tấn).

Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, tình trạng cung vượt cầu đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về giá cả. Mặc dù ngành xi măng dư cung lớn, nhưng khu vực phía Nam chỉ sản xuất được khoảng 20 - 21 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng hàng năm của thị trường phía Nam ước đạt 33 triệu tấn/năm.

Do đó, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm, các doanh nghiệp phía Nam vẫn sẽ có mức giảm ít hơn phía Bắc, mức độ giảm sản lượng của các công ty xi măng trong phía Nam như Fico, HT1, Insee … sẽ ít hơn bình quân ngành từ 20% - 30%.do khu vực phía Bắc tập trung nhiều nhà máy xi măng, sản lượng dư thừa lớn.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xi măng được dự báo sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Một trong những yếu tố giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh là giá than hạ nhiệt.

Sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận của Vicem Hà Tiên kỳ vọng được cải thiện mạnh vào năm 2024.

Sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận của Vicem Hà Tiên kỳ vọng được cải thiện mạnh vào năm 2024.

Hiện tại, than cốc chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất của xi măng. Năm 2023, giá than cốc Indonesia có dấu hiệu hạ nhiệt, từ mức trung bình 320 USD/tấn quý III/2022 xuống 185 USD/tấn trong quý III/2023, đã giúp biên lợi nhuận gộp của HT1 hồi phục lên mức 9.6% trong quý II/2023 (so với mức 4,1% trong quý I/2023).

"Trong bối cảnh cung - cầu than toàn cầu đã ổn định về mức trước covid19, dự kiến năm 2024, giá than cốc Indonesia sẽ tiếp tục giảm về mức quanh USD 120 – 130/tấn, qua đó giúp cải thiện 3,4% biên lợi nhuận gộp của HT1, lên mức 12%", Mirae Asset kỳ vọng.

Với HT1, đơn vị này dự phóng, sản lượng của HT1 trong năm 2023 đạt 5,8 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ và 2024 đạt 6,23 triệu tấn, tăng 8%. Cùng đó, lợi nhuận ròng dự báo 2023 đạt 89 tỷ đồng, giảm 58% và sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024.

Cụ thể, Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng giá than giảm cũng như sự phục hồi dần của thị trường xây dựng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của Xi măng Hà Tiên. Theo đó, sản lượng tiêu thụ năm 2024 của doanh nghiệp xi măng lớn nhất miền Nam đạt 6,23 triệu tấn, tăng 8%. Doanh thu và lợi nhuận ở mức 8.011 tỷ đồng và 325 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,9% và 264% so với cùng kỳ.

Thực tế, các doanh nghiệp xi măng đã đối mặt với kinh doanh không thuận lợi từ đầu năm 2023 đến nay, tiêu thụ sụt giảm, lợi nhuận đi xuống.

Doanh thu của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) 6 tháng đầu năm nay giảm về mức 3.941 tỷ đồng, giảm 14.3% cùng kỳ, sản sản lượng đạt 2.7 triệu tấn, giảm 18%; lợi nhuận ròng lỗ nhẹ, ở mức 26 tỷ đồng.

Với thương hiệu lâu đời cũng như chất lượng được khẳng định, sản lượng của HT1 suy giảm ít hơn so với các đối thủ trong ngành, Chứng khoán Mirae Asset dự báo, thị trường năm 2024 kỳ vọng hồi phục, HT1 sẽ có sự cải thiện sớm hơn các đối thủ cạnh tranh và có thể quay về mức hiệu suất lò quanh 85%.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/san-luong-tieu-thu-cua-vicem-ha-tien-se-cai-thien-manh-trong-nam-2024-d201132.html