Sàn môi giới địa ốc 'ăn đong từng bữa'

Khó khăn bủa vây khiến danh sách các sàn môi giới bất động sản giải thể hoặc 'chết lâm sàng' tiếp tục được nối dài. Các đơn vị còn cầm cự được cũng buộc phải sa thải nhân viên, bán tài sản, tìm đủ cách để duy trì hoạt động nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau.

Trong suốt quý I và hai tháng đầu quý II/2023, toàn văn phòng môi giới của anh Nguyễn Hồng Quý, ở quận 1 (TP.HCM), cả thảy gần 50 nhân viên, chỉ bán được 3 căn hộ, 1 căn liền kề và 2 lô đất nền. Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua, anh quyết định cắt giảm 60% nhân viên.

Đào thải khốc liệt

“Nói là sa thải nhưng đa phần trong số đó tự nguyện nghỉ vì đã 6-7 tháng chưa chốt được hợp đồng nào”, anh Quý chia sẻ và tiết lộ trong gần 1 năm qua, công ty anh cắt lương cứng, chỉ áp dụng chính sách hỗ trợ nhân viên 70% chi phí chạy quảng cáo và 2 triệu/tháng cho xăng xe và điện thoại.

Tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn, bởi theo anh Quý, trong thời gian tới nếu thị trường tiếp tục ảm đạm, ngay cả tiền xăng xe và điện thoại của môi giới cũng bị cắt giảm nếu không có đơn hàng.

“Thở bình ô xy” cũng là tình trạng chung của hầu hết sàn môi giới bất động sản trong bối cảnh thị trường địa ốc chìm trong khủng hoảng. Minh chứng, theo VARS, có 95% doanh nghiệp (được khảo sát) môi giới địa ốc phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm quá nửa số nhân viên.

Môi giới bất động sản đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có khi thị trường chìm trong ảm đạm.

Môi giới bất động sản đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có khi thị trường chìm trong ảm đạm.

Đặc biệt, về doanh thu, khảo sát của VARS chỉ ra hơn 90% sàn môi giới được khảo sát ghi nhận doanh thu quý đầu năm 2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Với nhóm doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên, doanh thu giảm 70-80%, hoạt động theo kiểu “ăn đong” từng bữa.

Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản cũng trở thành làn sóng rộng khắp cả nước. Số lượng môi giới hoạt động hiện chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.

Với những khó khăn hiện tại, VARS dự báo, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đóng băng thì sẽ có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM công khai thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện còn khoảng 59 sàn giao dịch đang hoạt động, 100% đang gặp những vấn đề liên quan đến doanh thu, chi phí, tiền hoa hồng cho nhân viên...

Danh sách các sàn giải thể trên địa bàn được nối dài, với những cái tên từng có tiếng như sàn Vieland của Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland (quận 3), sàn Goland của Công ty CP Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland (quận 1), sàn Kim Cúc Land của Công ty CP Đầu tư Kim Cúc Land (Bình Thạnh)...

Tìm lối thoát hiểm

Một khảo sát của SGO Homes trong những tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy, ở thị trường phía Bắc, khoảng 70-80% sàn môi giới đã đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Số lượng 20-30% sàn còn hoạt động hiện tại cũng đa phần ở trong trạng thái cầm cự, cắt giảm 2/3 lượng nhân viên.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho hay doanh nghiệp môi giới bất động sản đang lâm cảnh chật vật, thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động. Số môi giới phải nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người, ước đạt 80% lực lượng.

Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong quý đầu năm 2023 cũng tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2022, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc và sàn môi giới phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy lao động, thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang, dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO...

Các sàn địa ốc rõ ràng đang trải qua thời kỳ thảm họa theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, những chính sách gỡ vướng của Chính phủ vẫn được kỳ vọng sẽ nhanh “ngấm” và giúp thị trường bất động sản khởi sắc trong thời gian tới, từ đó mở ra lối “thoát hiểm” cho môi giới.

Trong một bài viết trên Vnbusiness cách đây không lâu, anh Châu Ngọc Thuận, chủ một sàn môi giới ở TP. Thủ Đức, chia sẻ những khó khăn hiện tại là sự “đau đớn cùng cực” nhưng đã được dự báo trước.

Tình trạng của môi giới bất động sản tại Việt Nam hiện tại đang có rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc hơn 2 năm trở về trước khi cuộc khủng hoảng thừa ở quốc gia này bùng lên. Chính vì lường trước khó khăn nên anh Thuận tự tin sau “kỳ nghỉ đông”, công ty sẽ trở lại mạnh mẽ.

“Một người bạn của tôi tên Chao ở Thượng Hải kể, trong hai năm 2021 và 2022, khi các quy định bị siết chặt, anh ấy trải qua gần 16 tháng không có doanh thu. Khó khăn thế nhưng cuối cùng môi giới vẫn sống sót, vì thế không có lý do gì chúng tôi không tin tưởng vào tương lai”, anh Thuận chia sẻ.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho rằng, các doanh nghiệp môi giới cần đẩy mạnh sàng lọc, tinh giản hệ thống nhân sự, phát triển theo chiều sâu thay vì quy mô.

“Các công ty cần nhân cơ hội này để nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng dịch vụ cho nhân viên. Từng bước ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp tuyển mộ nhân tài”, ông Khôi nhấn mạnh.

Để duy trì hoạt động, các sàn môi giới hiện tại nên ưu tiên quỹ hàng giá rẻ, dễ bán, phục vụ nhu cầu ở thực. Qua giai đoạn khó khăn, những môi giới “sống sót” được sẽ là những người chiến thắng. Đồng thời, thị trường sẽ chọn lọc được những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, uy tín.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/san-moi-gioi-dia-oc-apos-an-dong-tung-bua-apos-1093405.html