'Sân nhà' không đợi

Câu chuyện quay về thị trường nội địa mỗi khi xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn không phải mới mẻ đối với doanh nghiệp Việt. Nhiều năm trước, khi thị trường xuất khẩu gặp khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề “quay lại sân nhà”.

Tuy nhiên, với gần 100 triệu dân và phần lớn thuộc vào độ tuổi tiêu dùng mạnh, “sân nhà” giờ đây không phải là “chốn bình yên” để doanh nghiệp “tìm về” nữa. 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng đã “biến” thị trường trong nước thành một sân chơi lớn đầy cạnh tranh mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tìm cho mình chỗ đứng.

Đơn cử, với thị trường dệt may hay giày dép, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam lâu nay gia công cho các thương hiệu lớn của nước ngoài, song với thị hiếu và thị trường trong nước lại gặp nhiều rào cản. Nhu cầu lớn, đa dạng, dân số trẻ, chịu mua sắm song hàng dệt may hiện nay đang là thị trường bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng hóa từ Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu, Hoa Kỳ… và không dễ gì để các thương hiệu Việt mới mẻ “chen chân”. Ví dụ, Tập đoàn Thời trang Shein mới nổi của Trung Quốc có thể vận chuyển hàng từ các kho trung chuyển quốc tế đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam chỉ trong mấy ngày, với giá rất rẻ và mẫu mã cập nhật hàng giờ. những doanh nghiệp như Shein đang là mối đe dọa không chỉ của các nhà sản xuất thời trang Việt, mà thậm chí còn cạnh tranh gay gắt một cách “sòng phẳng” với những ông lớn trong ngành thời trang bình dân như Mango, Zara, H&M… đến từ châu Âu và Mỹ.

Tương tự, ngành gỗ nội thất, ngành giày dép... và nhiều ngành khác cũng gặp nhiều thách thức về xuất khẩu trong thời gian qua, nhưng để quay về sân nhà thực sự cũng không dễ dàng. Sự cạnh tranh gắt gao của từng nhóm, ngành hàng đang hiển hiện từng ngày, nhất là ở thời điểm thương mại điện tử phát triển quá mạnh, người tiêu dùng ở Việt Nam có thể mua sắm hàng hóa ở nước ngoài một cách rất dễ dàng, tiện lợi.

Nói như thế, không có nghĩa là không có doanh nghiệp thành công ở sân nhà, trái lại, có rất nhiều câu chuyện thành công của thương hiệu Việt tại thị trường nội địa khi họ xây dựng được những sản phẩm chất lượng, mạng lưới phân phối ổn định, marketing và quảng cáo tốt…

Và câu chuyện thành công này rõ ràng không đến trong một sớm một chiều. Những doanh nghiệp thành công với thị trường nội địa hầu hết đã mất rất nhiều năm để nghiên cứu sản xuất sản phẩm, tìm hiểu thị hiếu thị trường, xây dựng mạng lưới phân phối hiệu quả, thay đổi và cải tiến liên tục để phù hợp với nhu cầu của thị trường… Lãnh đạo một doanh nghiệp dày dạn trong việc gia công các đơn hàng may mặc xuất khẩu tại Đồng Nai chia sẻ, dù doanh nghiệp đã có nhiều năm “xông pha”, công nhân có kỹ thuật rất tốt, đáp ứng được những đơn hàng cao cấp cho các thị trường khó tính, song khi xác định quay về thị trường nội địa - thì vẫn chỉ là những “tân binh”. Họ phải xây dựng lại gần như từ đầu mọi thứ.

Và trong bối cảnh hiện nay, thị trường Việt Nam không chỉ là thị trường “mới nổi”, dễ dãi với hàng hóa như xưa, mà đã trở thành một điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trên thế giới. Điều này càng tạo ra áp lực cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu khi muốn xây dựng thị phần trong nước cho mình. Tuy nhiên, về lâu dài, mong muốn bán hàng và có thị phần ổn định ở “sân nhà” là mong muốn chính đáng về một sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Muốn vậy, doanh nghiệp phải bắt tay xây dựng ngay khi có thể, chứ sân nhà hiện tại không “chờ” doanh nghiệp quay về lúc thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202212/cau-chuyen-cuoi-tuan-san-nha-khong-doi-3151718/