Sản phẩm bảo hiểm sắp hết thời 'ăn sẵn'
Việc đa dạng sản phẩm, đặc biệt là phát triển các sản phẩm mang tính chất riêng biệt, đặc thù là đòi hỏi cấp thiết với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Chưa đầu tư thực sự cho R&D
Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, hiện nay có khoảng 2.894 sản phẩm bảo hiểm cá nhân và phi nhân thọ thuộc tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện đã có rất nhiều sản phẩm, nhưng những sản phẩm mới và thực sự khác biệt cho các thị trường ngách lại không nhiều.
Có nhiều nguyên nhân từng được giới trong nghề chỉ ra, trong đó, có thể vì các sản phẩm truyền thống vẫn đang bán tốt nên doanh nghiệp chưa cần đầu tư phát triển các sản phẩm mới. Nguyên nhân nữa là những sản phẩm mới, sản phẩm đi vào phân khúc khách hàng riêng biệt khó hấp dẫn khách hàng và thực tế chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng khá tốn kém…
Ông Bùi Anh Trung - Trưởng phòng Phát triển sản phẩm của PTI Digital cho biết, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác các sản phẩm bảo hiểm truyền thống mà không cần đầu tư quá nhiều về công nghệ, do đó, dù một số ít các công ty bảo hiểm đã có bộ phận R&D thì chức năng chính của bộ phận này cũng chỉ là chỉnh sửa lại yêu cầu quyền lợi dựa trên các sản phẩm bảo hiểm có sẵn, nên việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại Việt Nam cũng chưa thực sự được chú tâm. Vì R&D còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam nên rất khó để các doanh nghiệp bảo hiểm tìm ra những nhân sự vừa có kiến thức về bảo hiểm và công nghệ, lại vừa có trình độ tiếng Anh đáp ứng được nhu cầu công việc.
Mặt khác, việc đầu tư và ứng dụng công nghệ cũng gây ra những thách thức nhất định khi mà các sản phẩm bảo hiểm mới thường có quy trình online hoàn toàn từ phương thức mua đến quy trình bồi thường. Trong khi đó, thị trường insurtech tại Việt Nam chỉ mới thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây và chưa đạt được những thành tựu quá nổi bật.
“Để phát triển sản phẩm mới, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn cần phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư nguồn lực lớn mà không đem về doanh thu ngay lập tức. Chưa kể, các sản phẩm bảo hiểm mới trên thế giới tuy nhiều nhưng chưa hẳn đã phù hợp với thị trường cũng như đáp ứng được yêu cầu của luật kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam”, ông Trung nhìn nhận.
Áp lực đổi mới
Mới đây, tại tờ trình Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Bộ Tài chính cho biết, sẽ sửa đổi theo hướng bãi bỏ 2 loại hình bảo hiểm bắt buộc là bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có rủi ro.
Nếu dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ mất đi “miếng bánh” doanh thu có sẵn 1%.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bảo hiểm bắt buộc là do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Đồng thời, bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội. Trong 5 loại bảo hiểm bắt buộc quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, chỉ có 2 loại hình bảo hiểm bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy nổ là loại hình bảo hiểm có rủi ro ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và an toàn xã hội.
Trong một động thái khác, gửi kiến nghị tới Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV năm 2021, cử tri tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy. Theo cử tri tỉnh Hà Giang, hiện nay, loại hình bảo hiểm bắt buộc này không phát huy được vai trò, mục đích của việc đảm bảo quyền lợi, khi có tai nạn xảy ra, thủ tục bồi thường quá phức tạp và gây khó khăn cho người thụ hưởng. Về loại hình bảo hiểm này, trước đó, hồi năm ngoái, cử tri Hà Nội cũng có ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng bỏ quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Dù kiến nghị này chưa được chấp thuận nhưng các cơ quan chức năng cũng đã có những thay đổi như cắt giảm hồ sơ bồi thường và tăng tạm ứng bồi thường… đối với loại hình bảo hiểm này.
Đối với đề xuất mới của Bộ Tài chính, nếu dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không chỉ mất đi “miếng bánh” doanh thu có sẵn (dù chỉ chiếm khoảng 1% trên tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm) từ 2 sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trên, thì trong tương lai, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ không thể trông chờ quá nhiều vào doanh thu đến từ các sản phẩm bảo hiểm truyền thống.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 của khối phi nhân thọ sụt giảm vì biến động của dịch bệnh, trong đó có thể kể đến việc tăng trưởng âm của các sản phẩm truyền thống mũi nhọn như bảo hiểm sức khỏe (tăng trưởng âm 0,7%) và bảo hiểm xe cơ giới (tăng trưởng âm 7,9%) đã kéo doanh thu phí bảo hiểm gốc của hầu hết các doanh nghiệp sụt giảm, thậm chí tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2021 như PTI, PJICO, Bảo Việt…
Cùng với sự biến động khó lường của thị trường sẽ khiến các sản phẩm từng coi là “mũi nhọn” chiếm gần 60% trên tổng doanh thu phí các nghiệp vụ bảo hiểm hụt hơi, thì sự cạnh trạnh khốc liệt ở phân khúc dễ bán nhất (bảo hiểm bắt buộc) khiến “miếng bánh” này trở nên khó nuốt. Chính vì thế, việc đa dạng sản phẩm, đặc biệt là phát triển các sản phẩm mang tính chất riêng biệt, đặc thù chắc chắn sẽ không còn nằm trong chiến lược dài hạn, mà sẽ là câu chuyện phải thực hiện sớm.
Tất nhiên, việc cho ra đời một sản phẩm bảo hiểm mới sẽ luôn có những thách thức. Để phát triển một sản phẩm mới, các công ty bảo hiểm sẽ nghiên cứu các mô hình và sản phẩm bảo hiểm mới trên thế giới nhằm xem xét tính khả thi khi ứng tại Việt Nam. Sau khi xây dựng xong sản phẩm mới, các công ty bảo hiểm sẽ xây dựng kịch bản và mô hình bán phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng mà sản phẩm hướng đến.
Theo ông Trung, ngành bảo hiểm cũng sẽ không nằm ngoài xu thế chung là ứng dụng Big Data (Dữ liệu lớn) vào việc đánh giá dữ liệu mô hình sản phẩm và định phí. Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp khi mà việc ứng này đòi hỏi một lượng dữ liệu vô cùng lớn được thu thập trong nhiều năm với tính chi tiết cao để đảm bảo độ chuẩn xác. Ngoài ra, trong thời gian tới, thị trường cũng sẽ phát triển mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm vi mô (microinsurance) với quyền lợi đơn giản, dễ hiểu đi kèm mức phí bảo hiểm thấp và các sản phẩm bảo hiểm gắn liền với hoạt động xảy ra hàng ngày của khách hàng (lifestyle insurance)…
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/san-pham-bao-hiem-sap-het-thoi-an-san-post285276.html