Sản phẩm chủ lực - đòn bẩy tăng trưởng ngành công nghiệp
Từ năm 2015 đến nay, đánh dấu những bước đột phá của ngành công nghiệp tỉnh Thanh. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn bị tác động, ngành sản xuất công nghiệp đã ổn định trở lại, đóng góp cao vào tăng trưởng của tỉnh, với con số 35% GRDP trong năm 2020. Trong đó, động lực chính, mang tính chất quyết định, dẫn dắt sự tăng trưởng này chính là các sản phẩm công nghiệp chủ lực mà tỉnh Thanh Hóa đang có lợi thế.
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Tăng về số lượng, ấn tượng về chất lượng
Sau Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được vận hành thương mại tháng 12-2018, các nhà máy thép Nghi Sơn, dầu ăn Nghi Sơn cũng lần lượt được khánh thành. Những dự án công nghiệp lớn này đi vào hoạt động, đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm công nghiệp mới, với khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo thống kê của Phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương, từ 24 sản phẩm công nghiệp chủ lực, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển lên 33 sản phẩm. 9 sản phẩm mới được “ra lò” từ năm 2018 đến nay là: xăng, dầu diesel, khí hóa lỏng, Polypropylen, Paraxilene, Benzen, lưu huỳnh rắn, dầu ăn, thép. Cùng với các sản phẩm công nghiệp truyền thống, như: xi măng, đường, bia, điện thương phẩm, vật liệu xây dựng, sự gia tăng về số lượng các sản phẩm công nghiệp có sản lượng, giá trị cao đã đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng cao. Trong đó, năm 2020, IIP tăng 13,44% so với cùng kỳ, gấp 3,95 lần cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 141.640 tỷ đồng, tăng 12,3% cùng kỳ. Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước về tốc độ phát triển công nghiệp.
Những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành sản xuất nói chung và công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, với sự chủ động trong các kế hoạch điều tiết nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. Thống kê của Sở Công Thương, 4 tháng đầu năm ghi nhận đà tăng trưởng của sản phẩm dầu đậu nành 2,85 lần, thép 2,6 lần, clinker tiêu thụ 56%, gạch xây 25,6%, xi măng 9,9%...
Tỉnh Thanh Hóa hiện nay đã trở thành “thủ phủ” xi măng của cả nước. Cùng với Xi măng Vicem Bỉm Sơn, những tên tuổi như: Xi măng Long Sơn, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, với năng lực sản xuất 15,6 triệu tấn xi măng (số liệu năm 2020) đã khẳng định năng lực, thương hiệu sản phẩm xi măng của Thanh Hóa trên thương trường. 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp cũng đã đưa ra thị trường 5,7 triệu tấn xi măng. Cùng với ổn định sản lượng, các giải pháp sáng tạo công nghệ cũng luôn được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư để chinh phục thị trường trong lộ trình dài.
Điển hình như với thương hiệu Vicem Bỉm Sơn, năm 2019, đơn vị cũng đã khánh thành Dự án Chuyển đổi công nghệ hệ thống nghiền xi măng - đóng bao có tổng mức đầu tư gần 930 tỷ đồng, công suất 1,5 tấn/năm gồm 1 nhà máy nghiền xi măng có năng suất trên 210 tấn/giờ, 1 si lô xi măng 5 ngăn có sức chứa khoảng 30.000 tấn, 2 máy đóng bao có năng suất 240 tấn/giờ và hệ thống hạ tầng, đường bãi đồng bộ phục vụ sản xuất. Dự án chính thức đi vào hoạt động, đã nâng công suất sản xuất xi măng của công ty lên 4,5 triệu tấn/năm; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi chủng loại xi măng một cách nhanh chóng. Đặc biệt, với công nghệ hiện đại, dây chuyền sẽ giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của bụi và tiếng ồn đến môi trường. Các sản phẩm xi măng PCB40, đặc biệt là PCB40 rời cho các công trình sẽ dần thay thế cho xi măng PCB30 truyền thống, giúp nâng cao năng lực, thương hiệu và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Tiếp tục phát triển trên nền tảng và định hướng
Với định hướng phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trong chiến lược phát triển về lĩnh vực công nghiệp được đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, chú trọng phát triển chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong chiến lược này, vai trò của các sản phẩm công nghiệp chủ lực được xác định là nền tảng, động lực quyết định đối với tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Đánh giá về sự phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực trong thời gian qua, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, cho biết: Không chỉ tăng trưởng mạnh về quy mô, mà năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá đồng đều. Nhiều sản phẩm mới có giá trị cao đã xuất hiện, như: ô tô tải các loại, điện thương phẩm, các sản phẩm lọc hóa dầu (xăng, dầu; khí hóa lỏng; polypropylen; benzen), thép cán... Đáng nói, trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, các sản phẩm lọc hóa dầu chỉ chiếm 30 - 50%, chứng tỏ năng lực phát triển của các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống khá tốt và sản xuất công nghiệp trong tỉnh không phụ thuộc hoàn toàn vào công nghiệp lọc hóa dầu.
Hoạch định chiến lược cho các ngành công nghiệp chủ lực tỉnh phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Thanh Hóa cần chú trọng phát triển công nghiệp trong một số lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế so sánh và tiềm năng phát triển, nhằm khai thác tối đa lợi thế của tỉnh trong mạng lưới sản xuất vùng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong đó, cần tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, như: lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, năng lượng, chế biến nông sản thực phẩm và một số ngành hàng tiêu dùng, xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.
Theo tiến sĩ Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, mục tiêu trước mắt, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cung cấp linh kiện, cụm linh kiện phục vụ cho các ngành kinh tế của tỉnh, của vùng Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng sông Hồng. Với ngành công nghiệp dệt may - giày da vẫn được xác định là ngành công nghiệp quan trọng, giải quyết nhiều việc làm cho lao động. Tuy nhiên, cần ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dệt may, vật liệu và phụ liệu, bảo đảm chủ động trong sản xuất nội địa và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.
Bắt tay vào lộ trình này, trong năm 2021, ngành công thương đang tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, đạt từ 97,5% công suất trở lên. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm, như: Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Thủy điện Hồi Xuân, dây chuyền số 4 Xi măng Long Sơn, Xi măng Đại Dương...; xây dựng chương trình công nghiệp chế biến chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 làm định hướng tiền đề cho thu hút đầu tư và ban hành các chính sách phát triển. Tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư tập trung một số lĩnh vực có lợi thế và đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị cao, như: công nghiệp sau lọc hóa dầu; công nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng may mặc, giày da về khu vực nông thôn, miền núi; công nghiệp phụ trợ ngành may, giày da; công nghiệp cơ khí; công nghiệp năng lượng mới... vào đầu tư phát triển.