Sản phẩm OCOP hội tụ tinh hoa đất Cố đô

Sau 5 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hương vị quê nhà, hơi thở lịch sử và sự tinh tế của bàn tay người thợ... hội tụ trong từng sản phẩm OCOP không chỉ giúp hấp dẫn, cuốn hút khách hàng mà còn là một kênh truyền thông cho văn hóa địa phương, mời gọi du khách về với miền đất Cố đô.

Lan tỏa nét văn hóa ẩm thực truyền thống qua sản phẩm OCOP Giò trứng, xã Yên Từ (Yên Mô). Ảnh: Ngọc Linh

Lan tỏa nét văn hóa ẩm thực truyền thống qua sản phẩm OCOP Giò trứng, xã Yên Từ (Yên Mô). Ảnh: Ngọc Linh

“Sứ giả” văn hóa bản địa

Từ bao đời nay, người dân làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) vẫn luôn tự hào với truyền thống lịch sử hàng trăm năm, với lễ hội Báo Bản, những căn nhà cổ, con đường lát gạch đỏ..., đặc biệt là nét văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo, riêng có của quê mình. Tuy vậy, trước đây, chỉ những ai về với mảnh đất này mới có cơ hội thưởng thức những món ngon truyền đời ở đây như: Bánh đúc, Mọc luộc, Riêu cua, Giò trứng...

Thế rồi, những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Chương trình OCOP đã “đánh thức”, đưa một trong những món ăn ngon của làng Nộn Khê là Giò trứng hiện diện, góp mặt ở những bữa ăn trong khách sạn 4-5 sao, giới thiệu rộng rãi qua các cuộc thi ẩm thực, các lễ hội, sự kiện quốc gia, quốc tế... Sự kết hợp khéo léo, đầy sáng tạo giữa thịt, trứng tạo nên những miếng giò mềm, mịn, đẹp mắt, mang vị béo của thịt, vị bùi của trứng và mùi thơm của lá chuối hòa quyện, khiến cho Giò trứng Nộn Khê có một sức hút khó cưỡng với thực khách. Anh Bùi Văn Phương, chủ thể của sản phẩm OCOP Giò trứng Phương Bến (xã Yên Từ) cho biết: Giò là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, nhưng Giò trứng thì chắc chỉ có ở Nộn Khê. Từ xưa, làng có nghề dệt vải, dân làng thường giao lưu với khách thập phương, khách thành thị nên thường yêu cầu món ăn cũng phải ngon, đẹp và sang, từ đó, các cụ mới sáng tạo ra món Giò trứng này. Vì yêu tha thiết nét văn hóa ẩm thực truyền thống, anh Phương đã dày công học hỏi, sưu tầm công thức gói giò chuẩn nhất từ các cụ cao niên trong làng, đặc biệt là cầu kỳ, tỉ mỉ trong khâu chọn nguyên liệu để có được sản phẩm Giò trứng vừa ngon, bắt mắt, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất về an toàn thực phẩm. Qua món ăn truyền thống của làng mình, anh Phương mong muốn góp phần lưu giữ hồn quê và giới thiệu đến bạn bè, du khách gần xa.

Một câu chuyện khác ở làng nghề Sinh Dược (xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn), nơi từng in dấu bao câu chuyện ly kỳ về văn hóa, lịch sử với huyền tích Thiền sưDanh y Nguyễn Minh Không về đây tìm thuốc chữa bệnh “hóa hổ” cho Vua và truyền nhiều kinh nghiệm quý giá về thảo dược cho Nhân dân. Trải qua thăng trầm, tưởng chừng bị mai một, gần đây, vùng dược liệu này lại được “đánh thức” bởi anh Vũ Trung Đứcmột người con quê hương. Tốt nghiệp ngành Hóa-dược (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính, anh Đức đã về quê, đem kiến thức của mình kết hợp với các tri thức dược liệu bản địa, thành lập HTX Sinh Dược để sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ hoàn toàn từ thiên nhiên.

Sản phẩm muối ngâm chân, trà An Thái, tranh lá Bồ Đề của HTX Sinh Dược đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Giám đốc HTX Sinh Dược Vũ Trung Đức chia sẻ: HTX xác định sứ mệnh của mình là bảo tồn, phát triển các tri thức thảo dược, tác động tạo nên thói quen tiêu dùng xanh, bền vững, góp phần giữ vững các giá trị làng nghề truyền thống của địa phương.

Gia tăng giá trị bền vững

Sau hơn 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của tỉnh qua từng năm đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm xuất phát từ những làng nghề, nghề truyền thống.

Nhiều sản phẩm của HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh (Gia Viễn) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Anh Tuấn

Nhiều sản phẩm của HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh (Gia Viễn) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Anh Tuấn

Tham gia vào chương trình OCOP, các chủ thể không chỉ được hướng dẫn về quản trị sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, bán hàng thương mại điện tử, mà còn có cơ hội tiếp cận với chính sách hỗ trợ của tỉnh trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó có thêm cơ hội tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, thêm động lực hồi sinh những nét độc đáo riêng có của các địa phương. Qua đó không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển mà còn góp phần làm tốt sứ mệnh kết nối và chia sẻ những câu chuyện sinh động về nông nghiệp, nông thôn, những hình ảnh về vùng đất, con người Ninh Bình cùng những giá trị văn hóa truyền thống đến với người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, khi triển khai chương trình OCOP, Ninh Bình đã xác định phải phát triển các sản phẩm là đặc sản của địa phương mang bản sắc giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của các vùng đất, con người Ninh Bình. Quy mô sản lượng không nhiều nhưng chúng ta phải tạo được dấu ấn, bản sắc, thương hiệu riêng.

Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, đầu tư mở rộng sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sức lan tỏa đến người tiêu dùng. Đồng thời tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-pham-ocop-hoi-tu-tinh-hoa-dat-co-do-309604.htm