Sản phẩm OCOP khẳng định vị thế trên thị trường

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Long An đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo cơ hội cho các loại nông sản của địa phương khẳng định vị thế trên thị trường. Từ sự lan tỏa của chương trình, nhiều nông sản đã được các chủ thể đầu tư, phát triển sản xuất trở thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Nâng tầm sản phẩm

Là một trong những chủ thể đầu tiên được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, Công ty (Cty) Cổ phần Sản xuất, Kinh doanh Đế Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) hiện có 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao. Được biết, các sản phẩm của Cty đã có mặt tại nhiều hệ thống đại lý phân phối, chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Sản xuất, Kinh doanh Đế Gò Đen tham dự hội chợ, triển lãm tại Nam Phi

Sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Sản xuất, Kinh doanh Đế Gò Đen tham dự hội chợ, triển lãm tại Nam Phi

Theo Giám đốc Cty Cổ phần Sản xuất, Kinh doanh Đế Gò Đen - Đặng Thanh Hùng, việc vừa đầu tư để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vừa nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới chính là chiến lược phát triển của Cty nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. “Mục tiêu của Cty trong thời gian tới là phát triển các thị trường tiềm năng trong nước như TP.HCM, TP.Hà Nội,…

Bên cạnh đó, Cty cũng đang lên kế hoạch để đưa các sản phẩm ra thị trường thế giới. Tín hiệu tích cực là các sản phẩm của Cty đã được công nhận đạt chuẩn HACCP, đây là điều kiện cần để các sản phẩm của Cty có thể xuất khẩu và tiếp cận các thị trường khó tính trên thế giới” - ông Hùng cho biết.

Sau 2 năm tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm rau thơm của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) đã được công nhận đạt chất lượng 3 sao. Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP là dấu mốc quan trọng, giúp sản phẩm của HTX nâng cao uy tín trên thị trường. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh không ngừng thúc đẩy quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

San Hà tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương được trưng bày miễn phí tại các cửa hàng

San Hà tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương được trưng bày miễn phí tại các cửa hàng

Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng chia sẻ: “Chương trình OCOP đã mang lại những giá trị tích cực góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm của HTX. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được kết nối với nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh. Để giữ vững và mở rộng thị trường, thời gian tới, HTX tiếp tục tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp”.

Vừa qua, UBND tỉnh công nhận và xếp hạng 4 sao OCOP cho sản phẩm dầu tràm Con Yêu của Cty TNHH Thương mại Sản xuất PURE (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa). Sản phẩm với 100% thành phần là tinh dầu nguyên chất của cây tràm gió được trồng tại Long An.

Theo Giám đốc Cty TNHH Thương mại Sản xuất PURE - Nguyễn Quốc Vũ, với trang thiết bị, máy móc hiện đại, cùng nguồn nhân lực hiện có, mỗi năm Cty cho ra thị trường khoảng 150.000 chai dầu tràm Con Yêu với thể tích 100ml. Công suất tối đa của nhà máy có thể đạt đến 1 triệu chai mỗi năm, nếu đủ nguồn nguyên liệu. Ngoài tinh dầu tràm, Cty còn đang sản xuất thêm 9 dòng sản phẩm khác với thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên.

“Chúng tôi đang phấn đấu để đưa thật nhiều sản phẩm ra thị trường và nhắm đến cả việc xuất khẩu trong tương lai. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa sản phẩm dầu tràm Con Yêu để hướng đến đạt chuẩn OCOP 5 sao vào năm tới. Hy vọng, trong tương lai không xa, khi nhắc tới Long An, người ta sẽ nhắc tới dầu tràm” - ông Vũ chia sẻ.

Vươn xa cùng OCOP

Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Do đó, các ngành, địa phương đã rà soát, vận động những cơ sở sản xuất, chủ thể kinh tế có sản phẩm tiềm năng để hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng, tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Qua đó, hàng trăm chủ thể sản xuất đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm, nỗ lực cải thiện kỹ năng phát triển thị trường cho sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Hầu hết sản phẩm OCOP đều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đánh giá cao. Các sản phẩm OCOP đều được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể,... nên đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định sản phẩm OCOP tại huyện Mộc Hóa

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định sản phẩm OCOP tại huyện Mộc Hóa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Thời gian qua, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức của các chủ thể về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt; phát huy sức mạnh, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương; đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP của tỉnh thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ để các chủ thể mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng kinh tế số trong việc triển khai các sản phẩm OCOP để thuận tiện cho việc xúc tiến thương mại, ổn định đầu ra cho sản phẩm”./.

“Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP của tỉnh thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ để các chủ thể mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -
Đinh Thị Phương Khanh

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/san-pham-ocop-khang-dinh-vi-the-tren-thi-truong-a128445.html