Sản phẩm OCOP ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng
Với 11.054 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao trên cả nước, công tác tiêu thụ sản phẩm OCOP luôn được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm.
Gia tăng các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP
Thông tin tại tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến giữa tháng 12/2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là 10.000 sản phẩm.
Trong số đó có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao, gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao và đặc biệt là có 42 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.
Bên cạnh đó, điểm ấn tượng hơn cả là chất lượng sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ. Sản phẩm OCOP là sự kết tinh giữa các giá trị bản địa với khoa học, công nghệ và sự sáng tạo, tâm huyết của các chủ thể. Khoa học công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất sản phẩm OCOP và đã hình thành nhiều sản phẩm mới, không chỉ thuần túy dựa trên những giá trị bản địa mà thực sự đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Cùng với đó, mẫu mã cũng như bao bì sản phẩm đã được cải thiện rõ rệt, không thuần túy là bao bì đơn giản như trước đây mà hiện nay có rất nhiều loại bao bì hiện đại, ấn tượng và câu chuyện sản phẩm cũng đã được thể hiện. Như vậy, về mặt chất lượng, về mặt ấn tượng bao bì thì có thể thấy rất rõ.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại tọa đàm, trước đây, chúng ta chỉ nghĩ đến các sản phẩm có thế mạnh như là gạo hay là các loại hạt. Nhưng đến nay, kể cả những sản phẩm đặc sản như mắm tôm cũng đã bắt đầu xuất khẩu. Cụ thể, trong năm 2023, Mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật, Úc; hay là miến dong của Bình Liêu cũng sắp xuất khẩu sang châu Âu và châu Úc. Như vậy, các sản phẩm đã thực sự là đại sứ và đặc sản truyền thống của Việt Nam đã bắt đầu được bạn bè thế giới chấp nhận với tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại cũng đã được đẩy mạnh cả bằng các hình thức như là xúc tiến thương mại truyền thống qua hệ thống các Điểm phân phối cũng như là hệ thống chuỗi siêu thị cho đến thương mại điện tử.
Ngay từ cuối năm 2018, đầu 2019, Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành sớm ban hành các văn bản, trong đó có văn bản hướng dẫn về tiêu chí và hệ thống các Điểm phân phối sản phẩm OCOP. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành đều có các Điểm phân phối sản phẩm OCOP để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cả nước.
Đặc biệt, cuối năm 2022 với sự ra đời của mạng xã hội gắn với thương mại điện tử ở trên nền tảng như TikTok Shop, thì chương trình OCOP cũng triển khai các phiên chợ livestream trên nền tảng TikTok Shop Việt Nam. Năm 2023, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp đã triển khai được hơn 800 phiên chợ vói doanh thu lên tới 100 tỷ đồng và 300 triệu lượt người xem.
Chú trọng đưa sản phẩm OCOP ra thị trường thế giới
Cùng với việc gia tăng các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP ở thị trường nội địa và qua sàn thương mại điện tử; trong năm 2023, có 2 gian hàng OCOP quốc tế đã được tổ chức, một gian tham gia Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan tại Central World ở Bangkok và gian thứ 2 tại một sự kiện được tổ chức đầu tháng 12 ở Milan (Ý). Lần đầu tiên chúng ta có một không gian sản phẩm OCOP tại thị trường châu Âu và các sản phẩm OCOP không chỉ dừng ở thị trường nước mà cũng đã được xúc tiến đối với thị trường quốc tế.
Là chủ sở hữu một dòng sản phẩm OCOP 4 sao là chè Suối Giàng (Yên Bái), ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng chia sẻ, trà shan tuyết Suối Giàng hiện nay ngoài kênh phân phối truyền thống đã tham gia các kênh như trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, hay đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay… để thúc đẩy tiêu thụ.
“Hợp tác xã cũng tham gia các hệ thống sàn thương mại điện tử quốc tế như là Alibaba.com và Amazon. Tuy doanh thu chưa nhiều nhưng việc có mặt ở trên sàn cũng đòi hỏi sản phẩm cần phải có câu chuyện, cần triển khai các hoạt động bên lề chuyên nghiệp, từ hình ảnh đến tiêu chuẩn để người tiêu dùng bản địa có thể tiếp cận được. Điều này giúp nâng tầm cho sản phẩm”, ông Hiếu nói.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, tại tọa đàm, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các đơn vị sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, có 3 vấn đề mang tính mấu chốt để thúc đẩy sản phẩm OCOP đó là Chất lượng; mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tập trung vào xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ và cùng với đó triển khai các chương trình về thương hiệu… các chủ thể OCOP cần phải quan tâm đẩy mạnh.
“Còn từ phía các cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì luôn luôn song hành cùng với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao để nâng tầm của sản phẩm OCOP lên một tầm cao mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đa kênh, kết hợp xúc tiến thương mại bằng các kênh truyền thống như tổ chức hội chợ và các triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.