Sản phẩm OCOP thay đổi diện mạo nông thôn
Tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến các sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Ngày 19-2-2024, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh - đã ký Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tỉnh Hậu Giang năm 2024.
Nhiều giải phá phát triển
Mục đích của kế hoạch là nhằm bảo đảm lộ trình, mục tiêu kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai toàn diện các nội dung xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung hoàn thành 19 tiêu chí đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, từng bước xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024 trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đưa chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, công nhận sản phẩm OCOP vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của đơn vị, địa phương quản lý.
Đối với Chương trình OCOP, mục tiêu mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 - 4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện; trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao.
Bên cạnh đó, thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh; tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch nêu trên, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hậu Giang đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao.
Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Gắn với du lịch
Theo ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, huyện đang vận động và tìm các nguồn để hỗ trợ thêm cho các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã có sản phẩm OCOP. Huyện sẽ hỗ trợ thêm về vốn, giúp các cơ sở sản xuất, chế biến cải tiến, đưa khoa học - công nghệ vào trong sản xuất để tạo các sản phẩm ngày càng tốt hơn, góp phần tiếp tục phát triển thêm một số sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
"Mỗi sản phẩm OCOP được công nhận cũng là những viên gạch để Phụng Hiệp thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" - ông Lê cho biết.
Đối với Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, Ban Chỉ đạo yêu cầu kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố phát triển sản phẩm, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đồng thời, tham mưu Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh kiểm tra hồ sơ sản phẩm OCOP cấp huyện và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức công bố sản phẩm đạt 3 - 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Điểm sáng ở huyện Phụng Hiệp
Thực hiện kế hoạch nêu trên, đến cuối năm 2024, tỉnh Hậu Giang đã công nhận 348 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 113 sản phẩm 4 sao, chiếm 32,5%; 235 sản phẩm 3 sao, chiếm 67,5%), với 159 chủ thể (trong đó có 24 công ty, chiếm tỉ lệ 15,1%; 45 hợp tác xã, chiếm tỉ lệ 28,3%; 90 cơ sở, hộ kinh doanh, chiếm tỉ lệ 56,6%). Có 11 hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.
Một trong những địa phương hưởng ứng tích cực trong thực hiện kế hoạch nêu trên là huyện Phụng Hiệp. Với lợi thế về thổ nhưỡng và sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, cùng với trợ lực từ các chương trình dự án, đến nay huyện Phụng Hiệp đã có gần 50 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, chiếm 15% tổng sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang. Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP đều được đưa đi xúc tiến thương mại nên sản lượng bán ra tăng 50% - 60% so với trước khi được công nhận.
Mới đây, khi đến tham gia trưng bày tại sự kiện Mekong Connect 2024 tổ chức ở tỉnh An Giang, bà Võ Thị Phương Trang - Chủ cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây (huyện Phụng Hiệp) - cho biết đã trưng bày 7 dòng sản phẩm, trong đó có 5 dòng sản phẩm được bình chọn là OCOP 4 sao của tỉnh (có 4 dòng sản phẩm đạt OCOP tiêu biểu của vùng ĐBSCL).
"Mục tiêu của Út Tây khi đến sự kiện này nhằm tham dự các buổi hội thảo quan trọng để học hỏi kinh nghiệm và tìm hướng đi tốt nhất cho mình trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế xanh và hướng tới phát triển bền vững" - bà Trang cho biết.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/san-pham-ocop-thay-doi-dien-mao-nong-thon-19625011310061396.htm