Sản phẩm từ chăn nuôi xanh chịu thiệt đủ đường trên 'sân nhà'

Ngành chăn nuôi đang thúc đẩy chăn nuôi xanh, chăn nuôi tuần hoàn, giảm phát thải nhưng chưa nhận được chính sách hỗ trợ tương xứng, khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao…

Chưa có sự hỗ trợ tương xứng với hoạt động đầu tư

Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mebifarm Bình Thuận, với diện tích trang trại 72 ha cho tổng công suất 1,2 triệu gà mái đẻ và 400.000 gà con hậu bị, hoạt động sản xuất được doanh nghiệp sử dụng chỉ chiếm 15 ha, phần lớn diện tích còn lại để doanh nghiệp trồng cây xanh hướng đến bảo tồn sinh thái.

Các trang trại chăn nuôi được doanh nghiệp đầu tư xanh hóa.

Các trang trại chăn nuôi được doanh nghiệp đầu tư xanh hóa.

“Xanh không chỉ trong việc trồng cây, chúng tôi còn hướng đến việc bảo vệ môi trường thông qua hàng loạt dự án khác. Tước mắt, trong tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Mebifarm đã đầu tư thiết bị xử lý phân gà gần 60 tỷ đồng. Đồng thời doanh nghiệp còn đầu tư hệ thống tự động hóa đảm bảo tối ưu hoạt động đầu tư, điện năng, năng lượng, sử dụng nước cho sản xuất…”, ông Ngà chia sẻ.

Nguồn vốn cho dự án này khá lớn, nhưng theo đại diện Mebifarm, doanh nghiệp rất khó tiếp cận tín dụng xanh để đầu tư trang thiết bị công nghệ và xử lý chất thải. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp vẫn vay thương mại để thực hiện. Như vậy, thời gian để chi phí đầu tư một lần không nhiều.

Hiện hiện doanh nghiệp này vay vốn với mức lãi suất 10,5%/năm. Do đó, Mebifarm mong muốn Nhà nước hỗ trợ phần lãi vay còn 3-4%/năm cho doanh nghiệp đầu tư xanh để tăng tốc nhanh hơn, nhanh chóng đạt được các tiêu chuẩn xanh hơn.

“Nếu có các gói hỗ trợ, không riêng Mebifarm mà nhiều doanh nghiệp trong ngành sẽ nhanh chóng đẩy nhanh quá trình đầu tư xanh. Chúng tôi được biết Nhà nước đang có các gói hỗ trợ này nhưng lại chưa có các kênh thông tin để doanh nghiệp tiếp cận. Do đó, tôi kiến nghị cần có cổng thông tin mở để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn”, ông Ngà kỳ vọng.

Việc thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng nguồn lực tài chính hạn chế dẫn đến hoạt động chuyển đổi xanh tại nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, mặc dù sức ép cả trong và ngoài nước mỗi ngày một lớn.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) nhận định, ngành chăn nuôi trong nước bị giảm thị phần trong 10 năm trở lại đây do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư quy mô lớn, giá thành tốt…

“Nếu không có giải pháp thì một lúc nào đó, doanh nghiệp Việt sẽ không còn khả năng cạnh tranh trên “sân nhà” như câu chuyện về thịt heo và thịt gà”, ông Thiện chia sẻ và cho biết đây là lý do từ năm đầu năm 2024, V.food đã đầu tư đầu tư nhà xưởng, lao động để đạt chứng nhận FSSC nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Trong đó, nguồn vốn đầu tư để đạt được chứng nhận này hiện đã trên 5 tỷ đồng, theo kế hoạch, đến cuối năm 2024 doanh nghiệp sẽ đạt chứng nhận FSSC.

Cần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên thị trường trứng gia cầm.

Cần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên thị trường trứng gia cầm.

Khó cạnh tranh trên thị trường

Năm 2023, ngành chăn nuôi đã đạt được những con số vô cùng ấn tượng. Tổng sản lượng của ngành chăn nuôi tăng 6,38% so với năm 2022. Trong đó, chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng.

Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho rằng, việc duy trì mô hình chăn nuôi truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức.

“Doanh nghiệp cần thay đổi toàn bộ chuỗi sản xuất từ thức ăn, quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải… đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, sự khác biệt về sản phẩm đầu tư xanh và sản phẩm truyền thống chưa được người tiêu dùng nhận biết rõ ràng. Thách thức đến từ hai phía, câu chuyện tháo gỡ cần có chính sách rõ ràng để trợ lực cho doanh nghiệp trong ngành”, ông Sơn kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, bà Chu Thị Hồng Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Tafa Việt thông tin, hoạt động đầu tư xanh trong ngành chăn nuôi gia cầm được Tafa tiên phong thực hiện gần 10 năm trở lại đây khi đầu tư hàng trăm triệu USD cho hệ thống nuôi gà tự động nhập khẩu từ Đức. Quá trình đầu tư xanh này rất “nặng đô” nhưng kết quả nhận lại vẫn chưa tương xứng.

“Để sản phẩm đạt yếu tố an toàn, yêu cầu đầu tiên là tươi và không tồn dư kháng sinh, ít cholesterol và bổ sung được vitamin A, B, E… Do đó, giá thành sản phẩm sẽ có phần cao hơn so với dòng trứng truyền thống. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện nay là quá trình cạnh tranh về giá rất khốc liệt trên thị trường bởi người tiêu dùng chưa phân biệt được dòng sản phẩm xanh và dòng sản phẩm thông thường”, bà Thủy chia sẻ.

Trước thách thức này, Tafa đẩy mạnh chương trình khuyến mại tại các hệ thống phân phối hiện đại để nhanh chóng tiếp cận thị trường, thông qua đó truyền thông về sản phẩm xanh, sạch với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo các đơn vị, để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, rất cần thiết lập những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển đổi trang trại theo hướng hiện đại hóa. Song song đó là chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/san-pham-tu-chan-nuoi-xanh-chiu-thiet-du-duong-tren-san-nha-d227150.html