Sản phẩm xây dựng thâm nhập thị trường hàng hóa xanh với 'hộ chiếu xanh'
Cùng với các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ngày càng xuất hiện nhiều cơ chế, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật về xuất xứ, tác động môi trường, dấu chân các-bon, trách nhiệm xã hội, an toàn sức khỏe… đối với hàng hóa sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, tái sử dụng, thải bỏ.
Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu EU bắt đầu áp dụng giai đoạn chuyển tiếp Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM - Carbon Border Adjustment Mechanism).
Cơ chế này được thực hiện nhằm tạo công bằng giữa các nhà sản xuất sản phẩm có phát thải khí nhà kính và nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong sản xuất và tiêu dùng.
Cơ chế này sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ các doanh nghiệp EU chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều các-bon sang các quốc gia khác để tranh thủ các tiêu chuẩn về phát thải và môi trường còn thấp.
Từ tháng 10/2023, các nhà nhập khẩu ở EU sẽ phải báo cáo khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính có trong hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa phải trả thêm khoản phí phát thải ở giai đoạn này. Hết giai đoạn chuyển tiếp, từ tháng 01/2026 sẽ bắt đầu phải đóng phí theo lộ trình tăng dần đến năm 2034.
Các nhóm ngành áp dụng cơ chế CBAM như sản xuất xi măng, sắt thép, phân bón… là những ngành phát thải lượng lớn khí các - bon. Đối với ngành Xây dựng, thị trường các nước EU chưa phải là thị trường lớn đối với xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam. Tuy nhiên, chuẩn bị và thích ứng với các quy định mới về môi trường của EU và các thị trường nhập khẩu khác là việc làm cần thiết để có thể cạnh tranh và giữ thị phần xuất khẩu hàng hóa trên thị trường.
Để đánh giá, xây dựng và công bố các chỉ tiêu về tác động môi trường, phát thải khí nhà kính, tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng của của sản phẩm, phương pháp đánh giá vòng đời sản phẩm (Life Cycle Analysis - LCA) và sau đó là việc thực hiện công bố môi trường cho sản phẩm (Environmental Product Declaration - EPD) là rất cần thiết.
Đánh giá vòng đời là phương pháp phân tích được sử dụng để đánh giá tất cả các tác động môi trường liên quan đến mọi giai đoạn của vòng đời sản phẩm. Phạm vi đánh giá bao gồm từ khai thác nguyên liệu thô đến giai đoạn chế biến, sản xuất, phân phối, sử dụng, thải bỏ hay tái sử dụng. Việc thực hiện LCA ở Việt Nam đã có tiêu chuẩn TCVN ISO 14040:2009 Quản lý môi trường - Đánh giá vòng đời của sản phẩm - Nguyên tắc và khuôn khổ.
Có nhiều định nghĩa về công bố môi trường của sản phẩm nhưng tựu trung lại, công bố môi trường của sản phẩm là tài liệu công khai minh bạch những tác động đến môi trường của một sản phẩm trong quá trình sản xuất và sử dụng. EPD không những chỉ áp dụng cho sản phẩm sản xuất mà cũng có thể áp dụng trong lĩnh vực xây dựng công trình.
Lập EPD cho sản phẩm bao gồm các bước. Bước thứ nhất, thu thập dữ liệu (như thông tin về nguyên liệu thô, nguyên liệu khai thác, chế biến, vận chuyển về nơi sản xuất, tiêu thụ tài nguyên và chất thải của quá trình sản xuất, tiêu hao năng lượng sản xuất) và chuẩn bị báo cáo LCA/EPD. Bước này có thể được thực hiện bởi chính nhà sản xuất (nếu có đủ năng lực) hoặc được thực hiện thông qua đơn vị tư vấn về LCA/EPD.
Bước thứ hai, báo cáo LCA/EPD được thẩm định bởi một trong các đơn vị điều hành chương trình về EDP - Bên thứ ba có chức năng đánh giá, thẩm định.
Bước thứ ba, đăng ký và công khai báo cáo EPD trên Hệ thống International EPD System. Mặc dù mang tính tự nguyên nhưng lợi ích của LCA và EPD mang lại rất hiệu quả và rõ ràng không những ở mặt chứng minh tác động môi trường mà còn giúp tiết giảm chi phí trong sản xuất, lưu thông, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Hiện ngày càng có nhiều quốc gia và các chủ dự án đưa ra quy định áp dụng LCA, EDP trong sản xuất, nhập khẩu, sử dụng sản phẩm trên thị trường và đưa vào công trình xây dựng.
Một số hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh đã có các tiêu chí để khuyến khích sản phẩm có thông tin về LCA, EDP của sản phẩm, vật liệu đưa vào công trình.
Sản phẩm khi có LCA, EPD được ví như tấm hộ chiếu xanh sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa vào công trình trong lĩnh vực xây dựng, nhất là các dự án công trình xanh, công trình phát thải ròng bằng 0.
Thông qua đánh giá vòng đời cũng sẽ giúp ích cho quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới hay tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm lãng phí, giảm phát thải trong chuỗi giá trị của sản phẩm và giảm rủi ro trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguyễn Công Thịnh
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng