Săn rau chẵn lẻ
Vào những buổi chiều mùa mưa, chị Thúy Hà (Phú Lộc) thường bận rộn tìm đến các rừng tràm trên vùng trảng cát để 'săn' rau chẵn lẻ.
Sau nửa giờ đồng hồ rong ruổi trên vùng trảng cát trắng, chị Thúy Hà đã tìm thấy vạt rau chẵn lẻ đang độ tươi tốt. Vùng rau mọc ngay sát đường, nhưng vì khuất tầm nhìn, hơn nữa màu sắc của rau lẫn vào màu của cỏ nên ít người để ý. Chị chia sẻ: “May mắn vạt rau này vừa đủ độ tươi ngon. Chứ nhiều khi tôi tìm thấy vạt rau lớn lắm, nhưng đi trễ vài ngày là rau đã già nhiều, bởi thế thu hái chẳng được bao nhiêu”.
10 năm nay, cứ vào mùa mưa, săn rau chẵn lẻ là nghề tay trái “hái” ra tiền của chị Hà. Kinh nghiệm nhiều năm giúp chị nhận định được những vùng cát rau dễ mọc. Hoặc “ghim” những vị trí rau mọc trong những năm trước để năm nay tìm tới. Chị vui vẻ cho biết: “Thật ra cũng không khó để tìm rau chẵn lẻ. Thường ở vùng cát bãi ngang, rau sẽ mọc hoang lúp xúp ngay trên trảng cát. Nhưng để hái nhiều và hái được rau chất lượng, đôi khi người hái phải tìm rất lâu, “om” kỹ để hái đúng thời điểm”.
Khi những cơn mưa đầu mùa vừa trút xuống, thông thường, những vạt rau chẵn lẻ sẽ bắt đầu nảy mầm. Chỉ sau vài tuần, những mầm rau nhỏ sẽ biến thành từng cụm lớn rau chẵn lẻ với màu xanh ánh tím đặc trưng. Đó là thời điểm thu hoạch thích hợp nhất, khi những lá rau toát lên mùi đặc trưng nhưng vẫn còn giòn, mềm, ít xơ. Còn khi đã qua thời điểm "vàng", lúc cây bắt đầu ra những búp hoa lớn, chất lượng rau sẽ giảm xuống.
Bà Trương Chiến, một người dân vùng cát Vinh Mỹ (Phú Lộc), cho biết: “Hồi trước, người dân hái rau chẵn lẻ xem như “lộc trời ban” vào mùa mưa, khi việc đồng áng ít, thu nhập không cao. Không chỉ hái để dùng làm thức ăn trong gia đình, nhiều người lặn lội trên các dải cát trắng mỗi ngày để thu hái rau. Nếu gặp may, mỗi ngày có thể hái cả chục ký rau, thu nhập đủ chi dùng qua mùa mưa khó khăn”.
Đúng như bà Chiến nói, số người tìm rau chẵn lẻ mỗi mùa là rất lớn. Vì không chỉ dễ thu hái (người hái rau chỉ cần nhổ cây hoặc hái lá, chừa gốc để cây tiếp tục ra lá mới), rau chẵn lẻ còn rất được yêu chuộng ở chợ và các vùng lân cận. Đặc biệt, nhiều người dân vùng bãi ngang, xa quê lập nghiệp tại các tỉnh, thành phía nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều ưa chuộng loại rau mang hương vị đặc trưng quê nhà này.
Bởi thế, ngoài cung ứng cho chợ địa phương, chị Thúy Hà thường đóng thùng rau chẵn lẻ để gửi vào Nam, đáp ứng nhu cầu của khách phương xa. Chị cho biết: “Đầu mùa, rau chẵn lẻ giá khá cao, thường từ 25 – 30 nghìn đồng/kg. Khi rộ mùa, giá rau giảm còn 15 – 20 nghìn đồng. Để đảm bảo chất lượng rau, tôi thường nhặt sạch cỏ rác, bỏ rễ, không để rau chạm nước để rau tươi lâu hơn khi vận chuyển đường dài”.
Không chỉ dùng để ăn sống, nhúng lẩu, rau chẵn lẻ là loại rau không thể thiếu trong các món ăn miền biển đậm vị như canh khoai tía, canh cá khoai, cá khoai om, tép rang, ruốc kho. Cùng với giá thành hợp lý, vì là loài mọc hoang, không phân thuốc nên khách hàng càng thêm chuộng rau chẵn lẻ.
Chị Mai Thị Thanh, khách hàng mua rau chẵn lẻ chia sẻ: “Tới mùa thấy rau chẵn lẻ tươi ngon xuất hiện trên Facebook là tôi mừng lắm. Thế nào cũng phải mua vào ăn cho bằng được. Ở đây đồ ăn thức uống chẳng thiếu thứ gì, nhưng chỉ một nắm rau quê cũng làm tôi rưng rưng xúc động. Thật quý vì cứ mỗi mùa mưa, tôi lại được thưởng thức hương vị thân thương của rau chẵn lẻ quê nhà”.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/san-rau-chan-le-136113.html