Sẵn sàng các phương án khám, chữa bệnh trong điều kiện phòng, chống COVID-19

Sau hơn 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, đến cuối tháng 7/2021, tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện một số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Số lượng F0 có thể tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng y, bác sĩ nhằm đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép: Vừa khám, chữa bệnh; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị ca bệnh COVID-19 nặng nhằm chủ động cho các tình huống có thể xảy ra trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay.

 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị xét nghiệm SARS-CoV2 bằng phương pháp Realtime PCR - Ảnh: T.P

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị xét nghiệm SARS-CoV2 bằng phương pháp Realtime PCR - Ảnh: T.P

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành Y tế Quảng Trị nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên cũng bị hạn chế, do đó khiến số lượng bệnh nhân của các khoa tăng lên đáng kể như: Khoa Ung bướu và Khoa tim mạch tăng gấp 3 lần; các khoa hệ ngoại phải thực hiện các ca mổ nhiều gấp 1,5 lần so với bình thường. Ngoài ra, cùng với việc phải tập trung nhân lực thực hiện chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, đảm bảo cách ly, không để dịch bệnh lây lan, đặc biệt tại các khoa dễ lây nhiễm, tỉ lệ tử vong cao như: Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Khoa Thận nhân tạo, bệnh viện còn phân chia nhân lực, trong đó tăng cường lực lượng đoàn viên, thanh niên vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh ngay từ cổng ra vào.

Bên cạnh những khó khăn về nhân lực, do ảnh hưởng của COVID-19, bệnh viện cũng đang gặp một số khó khăn khác như: Thiếu vật tư y tế, trang thiết bị, máy móc, thuốc men… Nhưng vượt qua tất cả, lực lượng y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn nỗ lực từng ngày để đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân trong và ngoài tỉnh cũng như cùng với toàn xã hội phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao. Kết quả là trong 3 tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua, không để xảy ra bất kỳ một tình trạng đáng tiếc nào, nhiều bệnh nhân nặng đã được điều trị khỏi bệnh.

Những ngày giữa tháng 7, thông qua facebook, chúng tôi đọc được bài viết của anh Võ Thanh Dung (sinh năm 1973), hiện đang sống tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với nội dung cảm ơn các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vì đã đem lại cuộc sống mới cho vợ anh. Theo chia sẻ của anh Dung, cách đây hơn 2 năm, vợ của anh gặp vấn đề về tim mạch và được Bệnh viện Đà Nẵng chẩn đoán là rối loạn thần kinh thực vật. Nhưng thời gian gần đây, bệnh tình của chị ngày càng trở nặng, những cơn đau thắt ngực, khó thở xảy ra thường xuyên hơn, buộc vợ anh phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe một lần nữa. Tuy nhiên, do những diễn biến phức tạp của COVID-19, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đều phải siết chặt công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế khiến việc tái khám của vợ anh gặp không ít khó khăn, điều này đã làm cho anh không khỏi lo lắng và có phần bức xúc. Thế rồi được sự hướng dẫn của người em trai, vợ chồng anh Dung quyết định đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị với hy vọng bệnh tình của vợ anh sẽ được cải thiện hơn.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Dung xúc động cho biết: “Sau một tuần được các bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tận tình theo dõi, kiểm tra, vợ tôi được phát hiện bị rò, xơ vữa, hẹp động mạch vành chứ không đơn thuần là bị rối loạn thần kinh thực vật. Nhờ đó, các bác sĩ đã đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất, giúp vợ tôi nhanh chóng hồi phục. Đến nay, sức khỏe của vợ tôi đã hoàn toàn ổn định. Thật lòng tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn”.

Ngoài ra, anh Dung cũng chia sẻ thêm, một trong những điều khiến anh cảm thấy biết ơn nữa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị chính là bệnh viện tuy vẫn áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như sàng lọc, phân luồng, cách ly; thực hiện nghiêm các quy định nhưng không hề gây ức chế cho bệnh nhân và người nhà. “Đây không chỉ là cảm nhận của riêng vợ chồng tôi mà còn là của rất nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và người nhà của họ. Các y, bác sĩ đã nỗ lực rất nhiều vì bệnh nhân, không phân biệt là trong tỉnh hay ngoài tỉnh”, anh Dung nói.

Sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch trong tình hình mới

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bác sĩ CK II Trần Quốc Tuấn cho biết: “Chủ động trong công tác phòng, chống dịch là phương châm hàng đầu đối với các tuyến điều trị hiện nay. Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, bên cạnh thực hiện mục tiêu kép, vừa khám chữa bệnh cho Nhân dân, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, chúng tôi đã luôn chủ động đặt ra các tình huống giả định khi có dịch xảy ra với số lượng bệnh nhân ít, vừa, nhiều và triển khai kế hoạch chuẩn bị thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng với các kịch bản khác nhau để có thể ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra. Đến nay, mọi công tác từ khoanh vùng cách ly từng khu điều trị, khử khuẩn phòng bệnh đến các phòng chăm sóc, phòng mổ cấp cứu, phòng sản phụ khoa, các loại máy móc hỗ trợ phòng ICU với đầy đủ các phương tiện chẩn đoán và điều trị đã sẵn sàng”.

Theo đó, toàn bộ khu nhà H (bao gồm khu nhà điều trị của các khoa: Bệnh nhiệt đới và Tâm thần kinh) sẽ được trưng dụng thành khu thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị ca bệnh COVID-19 với khả năng đáp ứng điều trị cho khoảng 90 - 95 giường bệnh, trong đó 10 - 20 giường ICU; 20 - 30 giường bệnh cấp cứu và 30 - 45 giường bệnh thường. Trong trường hợp khu nhà H vượt quá số lượng bệnh nhân cho phép, bệnh viện sẽ tiếp tục trưng dụng thêm toàn bộ khu nhà F (bao gồm khu điều trị của các Khoa: Ung bướu, Ngoại tổng hợp) với khả năng đáp ứng điều trị lên đến 200 giường bệnh, trong đó có 20 - 30 giường ICU, 30 - 50 giường cấp cứu và 70 - 100 giường bệnh thường.

Cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, thuốc men điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn tổ chức tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho lực lượng y, bác sĩ và nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới cũng như các thành viên trong đội phòng, chống COVID-19 của bệnh viện. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã hình thành nơi khám riêng cho người có yếu tố dịch tễ, có các biểu hiện ho sốt, chủ động xét nghiệm PCR virus SARS-CoV-2 và thường xuyên kết nối, hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên. Công tác chuẩn bị nói trên đều được thực hiện một cách nghiêm túc, khẩn trương nhằm góp phần mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình phát hiện, khoanh vùng và điều trị bệnh nhân F0 trong thời gian tới.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, mọi công tác chuẩn bị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đều hết sức cần thiết để có thể hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện, từ đó đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, góp phần cùng xã hội đẩy lùi COVID-19.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=159622&title=san-sang-cac-phuong-an-kham-chua-benh-trong-dieu-kien-phong-chong-covid19