Sẵn sàng cho chương trình kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2023

Những ngày cuối tháng 4, trùng với kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2023, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức chương trình kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023. Điểm nhấn quan trọng trong sự kiện là đêm khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc. Cùng với đó là nhiều hoạt động đa dạng, phong phú trong phần lễ và phần hội. Hiện nay, các điều kiện chuẩn bị cho sự kiện đã được các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt, hoàn thành theo kế hoạch đặt ra.

Chương trình nghệ thuật tại buổi tổng duyệt. Ảnh: Minh Quang

Chương trình nghệ thuật tại buổi tổng duyệt. Ảnh: Minh Quang

Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, Hoa Lư), sân khấu tổ chức chương trình kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023 được chuẩn bị trang trọng, hoành tráng và đẹp mắt, với tổng diện tích trên 1.000 m2 , được chia thành 3 cấp độ để tạo thành 3 khu vực biểu diễn. Sân khấu được lấy ý tưởng từ hình ảnh du lịch, di sản văn hóa ở Ninh Bình với điểm nhấn là các hiện vật, di chỉ khảo cổ mới phát hiện qua các cuộc khai quật gần đây nhất tại khu vực kinh đô Hoa Lư xưa. Cùng với đó là hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, sử dụng công nghệ mới laser, mapping... giúp tăng thêm yếu tố nghệ thuật, hiệu ứng hấp dẫn cho các tiết mục. Thông qua đó làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên, trầm tích văn hóa, giá trị lịch sử của Quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2023 cũng bố trí trên 7 nghìn chỗ ngồi thuận tiện cho nhân dân và du khách tham dự, theo dõi sự kiện. Trước khi chương trình khai mạc kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023 chính thức diễn ra, tối 26/4, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức tổng duyệt chương trình, góp ý, thống nhất trong công tác trang trí khánh tiết, sân khấu, khán đài..., đảm bảo chương trình diễn ra trang trọng và hoàn thiện nhất.

Tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, nơi diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội, mọi hoạt động phục vụ Lễ hội và các điều kiện về trang trí trực quan đều đã sẵn sàng. Trước đó, đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư đã phối hợp với các thôn, xóm trên địa bàn xã Trường Yên chỉnh trang, dọp dẹp vệ sinh, bảo đảm cảnh quan môi trường, khuôn viên khu di tích sáng, xanh, sạch, đẹp. Bộ phận chuyên môn đã tiến hành tu sửa một số vị trí nền đất bị nứt của hố khai quật tại Nhà trưng bày di sản văn hóa thời Đinh-Tiền Lê.

Xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường số lượng thuyết minh viên, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu quảng bá, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong dịp Lễ hội. Trung tâm phân công cán bộ, nhân viên ở từng vị trí, nhiệm vụ cụ thể, đồng thời có sự linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng tiếp nhận các thông tin của du khách để kịp thời điều chỉnh, đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách với phong cách thân thiện và chuyên nghiệp, đem đến cho du khách sự thoải mái, ấn tượng, hài lòng.

Công tác tuyên truyền cổ động trực quan, chỉnh trang cây xanh, trang trí thảm hoa, công tác đảm bảo an ninh trật tự… cũng được Trung tâm chú trọng. Hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị phòng, chống cháy nổ được rà soát, thay mới hoặc sửa chữa. Từ trước nhiều ngày diễn ra các nghi lễ đầu tiên trong Lễ hội, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư đã sẵn sàng cho việc phục vụ du khách về tham quan di tích.

Là một hoạt động trong phần hội được chờ đợi và thu hút khá đông người dân và du khách đến tham quan hàng năm tại Lễ hội Hoa Lư, Hội thi và trưng bày Mâm ngũ quả tiến Vua tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023 được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh lên kế hoạch từ sớm và chỉ đạo Hội Phụ nữ 8/8 huyện, thành phố tham gia.

Đồng chí Đào Thị Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Hội thi và trưng bày Mâm ngũ quả tiến Vua tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023 thu hút sự tham gia của 8/8 huyện, thành phố, mỗi đội thành lập 1 đội tuyển có từ 7-9 thành viên tham gia. Đối tượng là cán bộ, hội viên phụ nữ của địa phương, kết hợp với nghệ nhân cắt tỉa hoa, quả nghệ thuật. Khi thi bày Mâm ngũ quả tiến Vua, các đội trực tiếp thi bày, sắp đặt, trang trí Mâm ngũ quả tại địa điểm tổ chức Hội thi. Mâm ngũ quả tiến Vua có ít nhất 5 loại quả trở lên, được trang trí, sắp đặt, cắt tỉa, chạm khắc hoa văn, tạo dáng nghệ thuật, bày đặt trong kệ hoặc giá đỡ. Với mong muốn giới thiệu, khơi dậy và phát huy năng khiếu nghệ thuật của phụ nữ Ninh Bình, Hội thi trưng bày Mâm ngũ quả tại Lễ hội Hoa Lư góp phần tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc nói chung và Ninh Bình nói riêng.

Theo Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2023, Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 28- 30/4/2023 (tức ngày 9 đến ngày 11 tháng 3 năm Quý Mão). Lễ hội được tổ chức gồm phần lễ và phần hội. Nội dung phần lễ gồm: Lễ mở cửa đền; Lễ rước nước; Lễ mộc dục; Lễ dâng hương; Lễ tiến phẩm; Lễ rước kiệu; Tế Cửu khúc; Tế lễ cổ truyền của các đoàn nam quan, nữ quan, đồng quan; Lễ cầu quốc thái dân an và Lễ hội hoa đăng; Lễ tạ.

Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại tại không gian Lễ hội. Nổi bật là các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức hội trại thanh niên, tổ chức các trò chơi dân gian như: cờ người (cờ tướng), chọi gà, tổ tôm điếm, bắn cung, bắn nỏ…; giải Vật dân tộc Quốc gia, giao lưu bóng chuyền và các giải thể thao khác.

Các hoạt động thi, trưng bày, triển lãm, quảng bá: Thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến Vua; thi kéo chữ "Thái Bình"; thi diễn tích "Cờ lau tập trận"; thi thư pháp; thi chèo thuyền khéo; trưng bày hình ảnh, hiện vật Kinh đô Hoa Lư; trưng bày các hiện vật, tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di chỉ khảo cổ tại khu vực Cố đô Hoa Lư; triển lãm ảnh nghệ thuật "Non nước Ninh Bình"; hoạt động quảng bá du lịch Ninh Bình...

Chương trình kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2023 được UBND tỉnh tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chương trình kỷ niệm và lễ hội nhằm mục đích tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Thông qua các hoạt động Lễ hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thi đua lao động sản xuất, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.

Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-sang-cho-chuong-trinh-ky-niem-1055-nam-nha-nuoc-dai-co/d20230428082645978.htm