Sẵn sàng cho mùa thi: Thầy cô chong đèn phụ đạo

Tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, không khí ôn luyện thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT trong mỗi nhà trường trở nên 'nóng' hơn...

Thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) tận tình ôn tập cho học sinh lớp 9.

Thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) tận tình ôn tập cho học sinh lớp 9.

Cùng trò “vượt vũ môn”

Chưa đầy 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đang ngày đêm cấp tốc ôn thi.

Khác với vùng thuận lợi, học sinh nơi đây phải vượt qua nhiều thử thách, đó không chỉ là kiến thức, mà còn là khoảng cách địa lý, điều kiện sống, áp lực mưu sinh... Tuy nhiên, cùng với quyết tâm của học sinh là sự đồng hành trách nhiệm của thầy cô.

Ông Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chỉ cần các em đỗ vào lớp 10, thầy cô vất vả mấy cũng vui”. Hiện nay, giáo viên ở lại trường cả tháng để phụ đạo học sinh lớp 9. Buổi tối, thầy cô đến từng phòng ký túc nhắc nhở, kèm cặp học sinh ôn bài. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức phân loại, lập nhóm theo mô hình “bạn giúp bạn”.

“Học sinh của trường phần lớn dân tộc Mông, Thái, gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng đến trường đều đặn. Các em ở lại trong ký túc, nên giáo viên ngoài việc dạy ôn trên lớp, buổi tối còn đến từng phòng ký túc chong đèn phụ đạo”, ông Xuân chia sẻ.

Việc ôn tập được tổ chức miễn phí theo đúng tinh thần Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT, với thời lượng tăng cường vào thời điểm cận thi. Không có điều kiện học thêm, những tiết phụ đạo tại trường là cơ hội quý để học sinh củng cố kiến thức, luyện đề và nâng cao kỹ năng làm bài.

Là khóa đầu tiên thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình GDPT 2018, nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng. Vàng Thị Dụ - học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lý, tâm sự: “Nhà em ở bản Sài Khao, cách trường hơn 20km đường rừng. Nhờ sự tận tình của thầy cô, em quyết tâm ôn tập tốt, thi đạt kết quả để không phụ lòng mong đợi của nhà trường, gia đình”.

Tuy nhiên, Vàng Thị Dụ cũng lo lắng, dù được thầy cô ôn luyện làm nhiều bài kiểm tra theo chương trình mới nhưng em vẫn bỡ ngỡ vì ngân hàng đề thi không nhiều.

Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lý có 87 học sinh lớp 9 thì 45 em đi học nghề, 30/33 em đỗ vào lớp 10 THPT. Năm nay, nhà trường có 40/75 em đăng ký dự thi vào lớp 10. “Chúng tôi lo lắng cho học sinh khi thi theo Chương trình GDPT 2018 vì phần lớn tinh thần tự học của các em chưa cao”, ông Xuân bày tỏ.

Tại Trường Tiểu học & THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa), công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng triển khai chặt chẽ. Nhà trường có 64 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi, trong đó nhiều em đặt mục tiêu thi vào các trường: THPT chuyên Lam Sơn, THPT dân tộc nội trú tỉnh...

Ông Nguyễn Văn Dương - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết học tập nghiêm túc. Giáo viên phải hỗ trợ tối đa, kể cả ngoài giờ, nếu học sinh có nhu cầu có thể gọi điện, nhắn tin hoặc mang bài đến nhà thầy cô để được hướng dẫn”.

Ngoài dạy học trên lớp, nhà trường còn tận dụng nhóm Zalo để kết nối với phụ huynh, thường xuyên cập nhật tình hình học tập, nhắc nhở học sinh tự học và ôn luyện. Với nhiều học trò vùng cao còn thiếu ý thức học tập, cách làm này giúp nhà trường phối hợp tốt hơn với gia đình trong quá trình đồng hành cùng các em.

 Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) ôn thi tại lớp.

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) ôn thi tại lớp.

Đồng hành bền bỉ

Ở cấp THPT, các hoạt động hỗ trợ học sinh lớp 12 đang được các nhà trường vùng biên tăng tốc. Tại Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa), việc ôn thi tốt nghiệp được tổ chức miễn phí cho toàn bộ học sinh khối 12, với thời lượng mỗi môn 2 tiết/tuần. Thời khóa biểu được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tiến độ ôn luyện, đồng thời giảm tải theo tinh thần Thông tư 29/2024.

Trường hiện có 219 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp, tập trung vào các môn như Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Trong đó, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách trường hàng chục cây số. Để tạo điều kiện thuận lợi, nhà trường bố trí ký túc xá cho học sinh ở xa hoặc vận động giáo viên cho học sinh ở nhờ.

Thầy cô không chỉ đảm nhận công việc giảng dạy, mà còn đóng vai trò như người thân, đồng hành trong sinh hoạt và học tập. Nhiều giáo viên tự nguyện nấu ăn, mua tài liệu, in đề ôn luyện, hỗ trợ suất ăn cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cô Hà Thị Khuyên - giáo viên Ngữ văn, chia sẻ: “Học sinh vùng cao thiệt thòi nhiều mặt. Không thể để các em tự xoay xở một mình trong giai đoạn quan trọng này. Thầy cô phải là chỗ dựa để các em vững vàng bước vào kỳ thi”.

Trường THPT Quan Sơn cũng duy trì mô hình “bạn giúp bạn” trong ôn thi để học sinh hỗ trợ nhau cùng tiến bộ. Những hình ảnh giản dị như thầy cô mang tập sách vào ký túc xá, học sinh cùng học dưới ánh đèn điện… đang từng ngày tiếp thêm động lực vượt khó.

Em Lò Ngọc Ánh, nhà ở bản Ngàm, xã Tam Thanh, cách trường gần 30km, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn nỗ lực học tốt nhờ sự đồng hành của thầy cô.

Ngọc Ánh được đánh giá là học sinh giàu nghị lực, nhiều cố gắng trong học tập. Khi được hỏi về dự định tương lai, Ngọc Ánh tâm sự: “Em dự định du học Nhật Bản, học điều mới mẻ để mai này làm giàu cho miền quê còn nghèo khó của mình. Em mong tìm thấy kỹ thuật canh tác, khai thác chế biến… phù hợp để phát huy tối đa nguồn tài nguyên rừng quê em”.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cột mốc quan trọng với bất cứ học sinh nào, nhưng với học sinh miền núi còn là cơ hội để thay đổi cuộc sống. Phía sau mỗi giờ ôn luyện là sự kiên trì, tận tụy của giáo viên, nỗ lực không ngừng của học sinh và cả niềm hy vọng của những gia đình nơi bản làng xa xôi.

“Sự quan tâm, đồng hành của thầy cô đã trở thành động lực cho học sinh vượt khó. Nhờ đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường đạt 100% - đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay trường có được. Chúng tôi hy vọng, với những giải pháp ôn luyện đang triển khai cho học trò, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ đạt kết quả tương đương năm ngoái”, Hiệu trưởng Lê Văn Minh Kỳ chia sẻ.

“Trường miền núi có nhiều học sinh ở bản làng xa xôi, ý thức tự giác học tập chưa cao, phụ huynh phó mặc cho thầy cô. Vì thế, với trách nhiệm và tình thương, giáo viên càng phải tận tâm, giúp học trò tiếp thu đầy đủ kiến thức, kỹ năng để vượt qua kỳ thi”, ông Lê Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/san-sang-cho-mua-thi-thay-co-chong-den-phu-dao-post732531.html