Sẵn sàng cho ngày hội lớn

'Ðến nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Một số địa phương được bầu cử sớm đã và đang tổ chức an toàn, đúng luật', Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết.

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn tập phương án bầu cử trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh: Duy Phạm

Chiều 21/5, Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp báo thông tin về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo ông Bùi Văn Cường, đến thời điểm hiện tại, tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 866 người để bầu 500 đại biểu (tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu).

Tại cấp tỉnh, tổng số đại biểu HĐND được bầu theo luật định: 3.726 người. Tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người, tỷ lệ 1,66. Tại cấp huyện, tổng số đại biểu HĐND được bầu theo luật định: 22.952 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người, tỷ lệ 1,66.

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn tập phương án bầu cử trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh: Duy Phạm

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn tập phương án bầu cử trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh: Duy Phạm

Tại cấp xã, tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 242.312 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người, tỷ lệ 1,67.

Trao đổi với phóng viên về nơi bỏ phiếu của các lãnh đạo chủ chốt, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, ngày bầu cử tới, Tổng Bí thư đi bỏ phiếu tại Hà Nội, Chủ tịch nước bỏ phiếu tại TPHCM, Thủ tướng bỏ phiếu tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội bỏ phiếu tại thành phố Hải Phòng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác Ðại biểu. Ảnh: Như Ý

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự cho biết, nguyên tắc là hầu hết các lãnh đạo ở địa bàn nào, cư trú ở đâu thì đi bầu cử ở nơi đó. Tuy nhiên gắn với nhiệm vụ cụ thể của các nhân sự trong Hội đồng Bầu cử cũng như nhiệm vụ của từng người thì một số lãnh đạo đi bỏ phiếu ở địa phương.

“Việc đi bỏ phiếu tại các địa phương như vậy gắn liền với việc đi kiểm tra, chứng kiến giờ khai mạc cũng như động viên các điểm bầu cử, tạo không khí chung cho cả nước”, bà Thanh cho hay.

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn tập phương án bầu cử trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh: Duy Phạm

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn tập phương án bầu cử trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh: Duy Phạm

Trả lời câu hỏi về giải pháp tránh bầu hộ, bầu thay, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, đây là một câu chuyện rất thời sự, vì mục tiêu và nguyên tắc của bầu cử là thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp và bình đẳng. “Đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND là quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri. Việc nhờ đi bầu hộ, bầu thay đã làm mất quyền cử tri của mình khi thực hiện quyền trực tiếp. Chúng ta thực hiện nền dân chủ (trực tiếp và gián tiếp) thì việc trực tiếp đi bầu cử là thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, tự tay mình bỏ phiếu bầu người đại diện tham gia các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương”, bà Thanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, trong thực tế cũng có những trường hợp đi bầu thay, bầu hộ. Để tránh việc này, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân ý thức trách nhiệm của mình đối với cuộc bầu cử. “Việc bầu hộ, bầu thay là vi phạm nguyên tắc bầu cử trực tiếp, bình đẳng, phổ thông”, bà Thanh nói.

Hai người “xin rút”, chưa có cơ sở khẳng định vi phạm pháp luật

Cũng tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về lý do hai trường hợp Hội đồng Bầu cử Quốc gia ra nghị quyết rút tên ra khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội vừa qua. Cụ thể là trường hợp của ứng cử viên Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1967), Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; ứng cử viên Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1973), Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.

Trả lời câu hỏi, bà Nguyễn Thị Thanh nói đã thông tin rất kịp thời, chính xác và công khai những thời điểm mà Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã họp, ban hành nghị quyết về hai trường hợp này. “Chúng tôi khẳng định, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm, đúng quy trình, đúng pháp luật về việc cho rút tên đối với hai ứng cử viên này”, bà Thanh nhấn mạnh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng khẳng định, kể cả khi đã xác nhận tư cách đại biểu, nhưng đến thời điểm đó có vi phạm thì vẫn tiếp tục xem xét.

Cơ cấu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV : phụ nữ 393 người (45,38%); Người dân tộc thiểu số 185 người (21,36%); Người ngoài Ðảng 74 người (8,55%); tái cử 204 người (23,56%); Người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 224 người (25,87%); 9 người tự ứng cử. Cùng với đó, tại nhiệm kỳ này có 39 bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 20 phó bí thư; 3 chủ tịch UBND và 5 phó chủ tịch UBND tỉnh ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Lý giải về việc cho rút mà không phải xóa tên, theo bà Thanh, thời điểm xin rút, ông Nguyễn Thế Anh chưa có bất kỳ quyết định về mặt pháp lý nào để Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm căn cứ, xóa tên khỏi danh sách chính thức. Còn dưới góc độ quản lý cán bộ, cơ quan của Quốc hội cũng đã có ý kiến. Ông Nguyễn Thế Anh xin rút, Ủy ban bầu cử tỉnh đã quyết định, nên Hội đồng Bầu cử Quốc gia căn cứ vào đó để ra quyết định. Theo bà Thanh, trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn cũng tương tự.

“Hai người xin rút tên, đến thời điểm xem xét cho rút tên chưa thể khẳng định có vi phạm pháp luật. Chúng tôi chưa nhận được bất cứ kết luận nào về việc hai ứng cử viên này vi phạm pháp luật. Quyết định như vậy nhằm đảm bảo quyền công dân, cũng như quyền của ứng cử viên. Trong khi đó ông Nguyễn Quang Tuấn còn đang là đại biểu Quốc hội, còn có quy định về quyền miễn trừ”, bà Thanh cho hay.

THÀNH NAM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/san-sang-cho-ngay-hoi-lon-post1338844.tpo