Sẵn sàng lộ trình tắt sóng 2G
Thực hiện lộ trình tắt sóng đối với thiết bị di động sử dụng nền tảng công nghệ 2G vào tháng 9 năm nay, kể từ ngày 1/3, các doanh nghiệp (DN) viễn thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không hòa mạng mới đối với điện thoại không được chứng nhận hợp quy (điện thoại đen trắng thế hệ cũ). Sau gần nửa tháng thực hiện, đa số người dân đã nắm được chủ trương, chủ động chuyển đổi thiết bị phù hợp.
DN chủ động
Từ tháng 7/2021, các mẫu điện thoại 2G sử dụng nền tảng công nghệ cũ đã bị dừng cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, những thiết bị điện thoại 2G là hàng xách tay, nhập lậu, tuồn vào Việt Nam sau thời điểm trên được coi là thiết bị không hợp quy chuẩn. Để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề nghị các DN viễn thông triển khai việc ngăn chặn hòa mạng mới của điện thoại di động 2G không hợp quy. Giải pháp này hướng đến mục tiêu tối ưu hạ tầng mạng lưới viễn thông, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa người dân từng bước tham gia vào môi trường số.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), khoảng 15 triệu người dân cả nước đang dùng thiết bị đen trắng công nghệ lạc hậu sẽ phải chuyển sang thiết bị thông minh. Tại Bắc Giang, trong số 1,9 triệu thuê bao di động đang hoạt động của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone… có 10% thuê bao sử dụng thiết bị công nghệ 2G phải thực hiện chuyển đổi.
Tại Bắc Giang, trong số 1,9 triệu thuê bao di động đang hoạt động của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone… có 10% thuê bao sử dụng thiết bị công nghệ 2G phải thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại thông minh 3G/4G/5G.
Để chuẩn bị cho kế hoạch tắt sóng từ ngày 1/3, các doanh nghiệp (DN) viễn thông đã triển khai nhiều giải pháp quản lý đi đôi với chăm sóc, "giữ chân" khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh (VPNT Bắc Giang) cho biết: “Đơn vị đã xây dựng kịch bản và triển khai chặn thuê bao lắp trên thiết bị 2G không hợp quy hòa mạng mới từ ngày 1/3/2024; gửi tin nhắn theo các mức: Thông báo nhắc nhở - Cảnh báo - Chặn kết nối với tần suất tin báo tăng dần, kết hợp cung cấp số điện thoại tổng đài hỗ trợ miễn phí để khách hàng có nhu cầu được tiếp tục sử dụng dịch vụ, không bị gián đoạn liên lạc. Qua rà soát từ đầu tháng 3 đến nay, chưa có thuê bao nào sử dụng nền tảng 2G cũ phải gửi tin nhắn thông báo nhắc nhở".
Mobifone Bắc Giang hiện có 9 điểm giao dịch tại các huyện, thị xã, TP (trừ huyện Sơn Động) và 350 điểm đặt trạm phát sóng trong toàn tỉnh phục vụ khách hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc Mobifone Bắc Giang, tỷ lệ phủ sóng 3G, 4G trong toàn tỉnh của đơn vị đến nay đạt khoảng 99%. Vì vậy, ở vùng sâu, vùng xa, nơi có ít thuê bao 2G hoạt động sẽ dần cắt giảm phát sóng 2G để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh với nền tảng công nghệ 3G, 4G.
Việc khóa, tắt sóng đối với thuê bao sử dụng điện thoại nền tảng công nghệ 2G không hợp quy do Tổng Công ty Viễn thông Mobifone điều hành. Đơn vị tập trung làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, tăng diện phủ sóng 3G, 4G ở những khu vực còn lại. Còn với Viettel Bắc Giang, từ năm 2023 đến nay, DN tổ chức các chiến dịch đưa cán bộ, nhân viên đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, hộ gia đình tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển sử dụng thuê bao trên thiết bị 2G cũ sang dùng 4G.
Tích cực hỗ trợ người dân
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nên phần lớn khách hàng đã nắm được lộ trình tắt sóng 2G. Nhiều người chủ động thay thế điện thoại đen trắng bằng thiết bị thông minh. Theo lãnh đạo Trung tâm Kinh doanh VNPT Bắc Giang, từ 1/3 đến nay, trong số hàng trăm thuê bao phát sinh mới được hòa mạng không có trường hợp nào sử dụng thiết bị trên nền tảng công nghệ 2G. Đáng chú ý từ đầu năm đến nay có gần 4 nghìn thuê bao chủ động nâng cấp từ thiết bị 2G lên 4G.
Để biết điện thoại đen trắng thế hệ cũ 2G đang sử dụng có được chứng nhận hợp quy hay không, người dùng truy cập vào địa chỉ https://tqc.gov.vn/2g-only của Trung tâm Đo lường chất lượng viễn thông (Cục Viễn thông - Bộ TT&TT).
Ông Phạm Lưu Định, 70 tuổi, thôn Lương Ban, xã Đông Phú (Lục Nam) cho biết: “Chuyển sang dùng điện thoại thông minh, tôi thấy rất thuận tiện. Ngồi đâu cũng có thể tìm hiểu thông tin tình hình KT-XH, an ninh trong nước, trong tỉnh và những vấn đề quan tâm... Thậm chí dễ dàng liên lạc được với người thân đang đi lao động ở nước ngoài qua mạng xã hội mà không hề phát sinh chi phí”.
Hiện phần lớn đối tượng sử dụng điện thoại công nghệ cũ thuộc nhóm người trung tuổi, người già và học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi. Nguyên nhân là do chi phí mua điện thoại thông minh đắt, dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/chiếc; trong khi chỉ cần vài trăm nghìn đồng người dân có thể mua được chiếc điện thoại 2G phục vụ việc nghe - gọi. Khảo sát trên thị trường tỉnh Bắc Giang thấy vẫn còn điện thoại 2G rao bán trên mạng xã hội hoặc ở một số cửa hàng.
Để thực hiện lộ trình “khai tử” điện thoại 2G vào tháng 9 năm nay, bên cạnh triển khai quyết liệt các giải pháp rà soát, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật phát sóng mạng viễn thông trong phạm vi tỉnh, Sở TT&TT, các nhà mạng đang tập trung tuyên truyền giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức, có kỹ năng cần thiết để khai thác tiện tích của điện thoại thông minh, từng bước hình thành công dân số thích ứng với môi trường số. Trong trường hợp đang sở hữu điện thoại 2G thuộc danh mục thiết bị được chứng nhận hợp quy, người dân vẫn có thể sử dụng bình thường song cần chủ động chuyển đổi theo quy định.
Để thu hút khách hàng, thời gian tới, các nhà mạng tiếp tục triển khai chính sách ưu đãi như: Tặng data, giảm giá thành khi mua điện thoại di động thông minh để thực hiện chuyển đổi, nâng cấp; tổ chức đợt cao điểm về khu dân cư hỗ trợ người dân kích hoạt mạng 4G. Được biết, Bộ TT&TT đang tính toán phương án sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích tài trợ khoảng 400 nghìn máy điện thoại 4G tặng cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương cùng nhà mạng trong tỉnh cũng quan tâm huy động nguồn lực hỗ trợ để người dân có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh.
Bài, ảnh: Hải Vân
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/san-sang-lo-trinh-tat-song-2g.bbg