Sẵn sàng mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là một trong những dự án cấp bách với mục tiêu tạo đà, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Công tác sửa chữa khe co giãn cầu Long Thành trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành vào ngày 25-7 vừa qua. Ảnh: Lê Văn
Đồng thời, đây cũng là dự án mang tính chiến lược trong việc kết nối Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh khi giai đoạn 1 của sân bay này dự kiến được đưa vào khai thác thương mại trong nửa đầu năm 2026.
Khởi công dự án vào ngày 19-8
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài khoảng 55km. Từ năm 2015, giai đoạn 1 của dự án đã được đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe. Gần 10 năm qua, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần giảm tải áp lực giao thông nội đô Thành phố Hồ Chí Minh, quốc lộ 51, thúc đẩy phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp dọc tuyến.
Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện ngày càng tăng nhanh, đặc biệt vào giờ cao điểm và cuối tuần, đã dẫn đến tình trạng quá tải và ùn tắc cục bộ tại các đoạn đầu tuyến, đoạn khu vực cầu Long Thành và nút giao quốc lộ 51.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tăng trung bình hơn 10,4% mỗi năm. Đến nay, tuyến đường cao tốc này đã trong tình trạng mãn tải, đặc biệt, đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành. Theo dự báo, khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào khai thác trong nửa đầu năm 2026, tình trạng ùn tắc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành không sớm được đầu tư mở rộng.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho hay, theo tính toán, có đến 80% lượng khách đến Sân bay Long Thành có nhu cầu di chuyển từ đây về Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Trong khi đó, tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến kết nối chính giữa Sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu khai thác sân bay.
Theo Phó Tổng Giám đốc VEC Đặng Hoài Nam, trước nhu cầu cấp bách mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, Chính phủ đã giao VEC làm chủ đầu tư dự án này.
Theo VEC, dự kiến kinh phí thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành qua Đồng Nai là hơn 200 tỷ đồng, do VEC bố trí vốn chi trả.
Cuối tháng 5-2025, HĐTV VEC đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án có chiều dài gần 22km. Về quy mô dự án, đối với đoạn từ nút giao đường vành đai 2 đến nút giao đường vành đai 3 (Km4+000 - Km8+844,5), sẽ được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao đường vành đai 3 đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, không bao gồm phạm vi cầu Long Thành (Km8+844,5 - Km25+920), sẽ được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe lên 10 làn xe. Riêng với cầu Long Thành, sẽ đầu tư xây dựng một đơn nguyên cầu mới với quy mô 5 làn xe hoàn chỉnh theo chiều từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Long Thành, bên phải cầu hiện hữu.
“Hiện dự án đã được đưa vào danh sách các dự án sẽ được khởi công xây dựng vào ngày 19-8 tới” - ông Đặng Hoài Nam cho biết.
Đồng Nai sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, VEC đã tách dự án thành 3 dự án thành phần gồm: Dự án Thành phần 1, mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành do VEC làm cơ quan chủ quản, chủ đầu tư; Dự án Thành phần 2, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh do UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện và Dự án Thành phần 3, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện.
Theo ông Đặng Hoài Nam, với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Nai (từ sau cầu Long Thành đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), trong giai đoạn 1, dự án đã được thực hiện giải phóng mặt bằng với quy mô rộng 63m. Tuy nhiên, để đáp ứng theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Nghị định số 165 ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng thêm 3m mỗi bên tính từ ranh giới đã được giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1 của dự án.
“Thống kê sơ bộ của đơn vị tư vấn, tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để triển khai dự án là hơn 4ha” - ông Đặng Hoài Nam cho hay.
Cũng theo ông Đặng Hoài Nam, hiện đơn vị tư vấn đang thực hiện lập hồ sơ giải phóng mặt bằng dự án.
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh để triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho rằng, diện tích cần giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công dự án là không lớn. Do đó, Đồng Nai đề nghị VEC có văn bản chỉ rõ những khu vực, vị trí cần ưu tiên hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng để tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện.