Sẵn sàng vượt thách thức
Năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình ghi nhận những bước phát triển nổi bật, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế-xã hội của tỉnh. Với sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và hàng loạt sáng kiến đổi mới, du lịch Quảng Bình tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Với hơn 5,2 triệu lượt khách, tăng 15,3% so với năm trước và tổng thu từ du lịch đạt gần 5.980 tỷ đồng, những con số ấn tượng đã tạo nên tiền đề vững chắc để hướng tới các mục tiêu lớn trong tương lai.
Thách thức từ những “bài toán” khó
Những kết quả đạt được trong năm 2024 là minh chứng rõ ràng cho chiến lược phát triển du lịch đúng đắn và nỗ lực không ngừng của toàn hệ thống. Số lượng khách quốc tế đã phục hồi mạnh mẽ, với hơn 146.000 lượt khách, tăng 23,8% so với năm 2023. Các thị trường quốc tế trọng điểm, như: Châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc và Đông Nam Á, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đưa du khách đến với Quảng Bình. Tuy vậy, ngành Du lịch Quảng Bình vẫn đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là tính mùa vụ và mức chi tiêu trung bình của du khách còn thấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân tại hội nghị tổng kết ngành Du lịch đã thẳng thắn chỉ ra: “Chúng ta có lượng khách tháng 7, tháng 8 quá đông, quá tải nhưng 8 tháng còn lại thì gần như nghỉ hẳn. Để duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng cao và dịch vụ ổn định là điều rất khó”. Ngoài ra, mức chi tiêu trung bình của du khách còn thấp do sự mất cân đối giữa các sản phẩm du lịch. Trong khi các sản phẩm cao cấp như tour Sơn Đoòng mang lại giá trị lớn nhưng số lượng khách hạn chế, thì các sản phẩm phổ thông như Phong Nha-Tiên Sơn thu hút đông đảo du khách nhưng lại chi tiêu không đáng kể. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có 1 triệu khách với mức chi tiêu từ 1-3 triệu đồng mỗi người, thì du lịch Quảng Bình sẽ rất khác. Các dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống sẽ được cải thiện đáng kể”.
Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), năm 2024, với gần 50 nghìn khách tham gia bộ môn du lịch thám hiểm hang động, Quảng Bình là nơi có lượng khách du lịch tham gia loại hình này lớn nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là điểm đến Quảng Bình hiện nay đang ít sản phẩm du lịch, chưa thực sự đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khách.
Chưa kể, các sản phẩm hiện đang sao chép nhau, không có đột phá trong xây dựng sản phẩm mới. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn chưa đi vào trọng tâm. “Muốn Quảng Bình hay cụ thể hơn là Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành điểm đến hút khách thì trước hết cần tạo hành lang tốt để có thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.
Nếu không làm được điều này thì có bỏ nhiều tiền làm quảng bá cũng không thể tạo nên điểm đến hấp dẫn được. Các sản phẩm du lịch là các hoạt động trải nghiệm du lịch, các cơ sở lưu trú cao cấp được xây thì cũng chỉ xác định là “sản phẩm phụ trợ” vì đó không phải là động lực chính mà các hoạt động trải nghiệm mới thu hút khách tới”, ông Nguyễn Châu Á khẳng định.
Chờ đợi gì vào năm 2025?
Những ngày cuối năm 2024, chuyến tàu hỏa siêu cao cấp Sjourney đưa 7 du khách quốc tế đến với Quảng Bình, tham quan động Thiên Đường và suối Nước Moọc. Sjourney được đầu tư bởi PYS Travel và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, là con tàu đầu tiên của Việt Nam và là 1 trong 30 con tàu trên thế giới có phương thức chạy riêng theo yêu cầu của khách.
Ông Phan Trọng Thắng, Quản lý dự án tàu Sjourney của PYS Travel cho biết, hành trình từ Nam ra Bắc của đoàn tàu sẽ kéo dài 8 ngày 7 đêm, đi qua tất cả các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam trong đó có Quảng Bình. “Chúng tôi lựa chọn Quảng Bình là điểm dừng chân bởi nơi đây có nhiều điểm đến đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng. Đây cũng chính là hiện thực hóa mong muốn kết nối các miền di sản của Việt Nam”. Hiện Sjourney đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài, cho đến tận năm 2026. Là một trong số ít điểm đến được lựa chọn làm điểm dừng chân của hành trình du lịch đắt đỏ này, Quảng Bình coi đây là cơ hội quý và mở ra nhiều kỳ vọng để ngành Du lịch địa phương thu hút đối tượng khách du lịch cao cấp.
Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, nắm bắt được cơ hội này, ngành Du lịch Quảng Bình sẽ triển khai nhiều kế hoạch truyền thông, quảng bá, kết nối với Sjourney để thu hút khách đến với địa phương nhiều hơn. Ngoài các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên như động Thiên Đường, suối Nước Moọc mà Sjourney đang lựa chọn, sở sẽ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa để thu hút du khách trên con tàu cao cấp này.
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt quan trọng đối với du lịch Quảng Bình. Mục tiêu của tỉnh là đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó có 160.000 lượt khách quốc tế và tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 6.325 tỷ đồng. Để đạt được các mục tiêu này, Quảng Bình đã đề ra nhiều chiến lược đồng bộ và toàn diện, từ việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, tập trung vào các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, các nước châu Âu, đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Ngoài các mục tiêu ngắn hạn, năm 2025 được coi là năm bản lề, là thời điểm để Quảng Bình xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2026-2030 và định hình chiến lược phát triển dài hạn. Với định hướng trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm hàng đầu châu Á, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng như trekking, leo núi, thám hiểm hang động, gắn liền với bảo tồn thiên nhiên.
Với sự đồng lòng và nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, du lịch Quảng Bình nỗ lực đạt được những bước tiến vượt bậc, trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực. Như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân: “Một điều chắc chắn rằng nếu Quảng Bình có một đội hình doanh nghiệp, doanh nhân thành công, du lịch của tỉnh cũng sẽ thành công”.
Năm 2024, những điểm đến tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp tục nhận được sự vinh danh từ các tạp chí uy tín. Hình ảnh Quảng Bình xuất hiện trong các chiến dịch quảng bá của các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Meta. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý và quảng bá du lịch cũng mang lại những kết quả tích cực. Từ các ứng dụng di động hỗ trợ du khách đến trải nghiệm thực tế ảo (VR), Quảng Bình đã nâng cao được trải nghiệm du khách và tạo dựng một hệ sinh thái du lịch thông minh, hiện đại.