Sản vật của núi rừng

PTĐT - Trên mỗi ban thờ Tiên tổ, trong mỗi bữa cơm gia đình quây quần ngày Tết, bánh chưng là món ăn không thể thiếu. Để làm nên một chiếc bánh chưng xanh đúng 'hồn' dân tộc, điều quan trọng...

Người bán lá dong tại chợ Đồng Xuân dịp Tết những năm 1920. Ảnh tư liệu

Người bán lá dong tại chợ Đồng Xuân dịp Tết những năm 1920. Ảnh tư liệu

PTĐT - Trên mỗi ban thờ Tiên tổ, trong mỗi bữa cơm gia đình quây quần ngày Tết, bánh chưng là món ăn không thể thiếu. Để làm nên một chiếc bánh chưng xanh đúng “hồn” dân tộc, điều quan trọng là phải chọn được những tàu lá dong đúng “vị” Tết. Lá dong - sản vật núi rừng bình dị, đã góp phần làm nên chiếc bánh chưng xanh, cũng là góp phần tạo nên nét đẹp truyền thống và hương vị Tết cổ truyền của dân tộc.

Ông Đỗ Đình Mùi, khu 15, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy chăm sóc vườn lá dong.

Ông Đỗ Đình Mùi, khu 15, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy chăm sóc vườn lá dong.

Lá dong được coi là lá lộc của núi rừng. Theo truyền thuyết từ thời Vua Hùng, người dân đã sử dụng lá dong để gói bánh cho mình và dâng vua. Đến nay, thứ lá này vẫn được người dân ưa chuộng. Cây dong thường mọc hoang ở trong rừng, trên núi, xanh tốt quanh năm, tùy thuộc vào điều kiện môi trường sinh sống mà cây cho lá nhiều hay ít. Còn nhớ, trước đây, cứ đến trung tuần tháng 11 âm lịch, những người làm nghề đi rừng ở Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập bắt đầu khởi hành cho mùa lấy lá dong. Mùa lấy dong kéo dài cả tháng. Bởi công việc rất vất vả, công phu, phải trèo đèo, lội suối, tìm kiếm, lựa chọn. Thao tác cắt, gói, vận chuyển lá dong cũng phải cẩn thận, nâng niu. Bởi ngoài phục vụ gia đình, lá dong bán buôn cũng kiếm được tiền triệu tiêu Tết. Tuy nhiên, nay lá dong ít do rừng phần nhiều phục vụ sản xuất, muốn lấy phải đi xa hơn, vất vả hơn nên người dân dành một phần đất nhỏ trong vườn nhà để trồng cây dong, phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Gia đình ông Đỗ Đình Mùi, khu 15, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy có khu vườn rộng 600m2 trồng lá dong cho thu hoạch quanh năm. Ông cho biết, ngoài phục vụ gia đình, cây dong còn cho thu nhập ổn định từ 30-35 triệu đồng/ năm, có năm lên tới 40 triệu đồng. Dong là loại cây sống khỏe và ưa bóng mát. Ông thường đào các rãnh thấp hơn so với mặt đất từ 30 - 40 cm để trồng dong nhằm tạo độ ẩm thường xuyên trong đất, giúp cây sinh trưởng nhanh. Mỗi năm, ông chỉ cần bón phân đạm một đến hai lần là cây luôn xanh tốt. Bên cạnh đó, cây lá dong có ưu điểm sạch sâu bệnh, phía dưới gốc không có cỏ dại mọc nên rất ít tốn công chăm sóc.

Người dân tấp nập mua bán lá dong ở những phiên chợ Tết

Người dân tấp nập mua bán lá dong ở những phiên chợ Tết

Khoảng 20 tháng Chạp trở đi, khi mà chợ quê, chợ phố rộn ràng không khí Tết, lá dong được bày bán khắp nơi. Người dân đi mua lá, chọn lá, cố gắng chọn được những chiếu lá dong ưng ý nhất. Lá dong gói bánh tốt nhất là loại lá to, rộng, màu xanh đậm, không non, không già, hay còn gọi là lá “bánh tẻ”. Như thế khi gói bánh sẽ có màu xanh tươi và vị hương thơm đặc trưng hơn. Nếu gói lá non, màu bánh không đẹp, mà lá già thường giòn, dễ rách, khó gói. Chị Nguyễn Thị Phương, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì cho biết: “Dù bây giờ ngồi ở nhà cũng có thể đặt mua được lá dong và được giao hàng tận nơi, nhưng mình vẫn muốn đi những phiên chợ cuối năm, tìm mua những cuộn lá dong xanh mướt về gói bánh. Nhìn thấy cảnh tấp nập người bán người mua lá dong, mới thực sự cảm thấy đúng cảnh chợ tết, đúng vị tết của dân tộc.”Những ngày giáp Tết, mọi người chăm chút, tỷ mẩn, kỳ cọ từng chiếc lá trên các mâm thau, rồi cẩn thận sắp xếp chúng theo từng kích cỡ. Lá dong sau khi rửa sạch, để ráo, sẽ được cắt tỉa cho mềm mại. Công việc này đòi hỏi người làm phải khéo tay, cẩn thận, để mỗi lần cắt cuống vát cồi, lá vẫn lành lặn, vẹn nguyên. Lá mềm dùng để gói bánh, cuống cứng dùng để lót đáy nồi trước khi sắp bánh lên để không dính và tạo được màu xanh cũng như tăng thêm vị thơm đặc trưng của bánh. Lá dong không chbỉ dùng để gói bánh chưng, bánh tét, bánh dày, mà còn dùng để gói giò, gói nem... Bánh gói bằng lá dong, nấu lên ngon và để được lâu hơn.Từ những bàn tay khéo léo, được truyền qua bao thế hệ, dong, giang của núi rừng, nếp, đậu của đồng quê thân thuộc, đã trở thành những chiếc bánh chưng trên mâm cỗ ngày xuân, dâng kính tổ tiên. Lá dong - sản vật núi rừng bình dị, góp phần làm nên chiếc bánh chưng xanh tạo nên nét đẹp truyền thống và hương vị Tết cổ truyền của dân tộc.

Hiếu Nghĩa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202102/san-vat-cua-nui-rung-175358