La Quán Trung 'cướp đoạt', gán cho Quan Vũ chiến tích chém Hoa Hùng

Theo Tam quốc chí (bộ chính sử thời Hán, Tấn) của sử gia Trần Thọ, người đánh bại Hoa Hùng không phải Quan Vũ mà là Tôn Kiên. Nói chính xác hơn, công lao của Tôn Kiên đã bị La Quán Trung 'cướp đoạt', gán cho Quan Vũ.

Không có chuyện Quan Vũ chém Hoa Hùng

Trong hồi 5 Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết, Tào Tháo sau khi giết cả nhà Lã Bá Sa thì bỏ trốn, đem hết tài sản trong nhà ra chiêu binh mãi mã. Tào Tháo viết hịch tuyên bố ý định đánh Đổng Trác, phò tá nhà Hán, các lộ binh mã từ khắp nơi theo về rất đông.

Một mình địch cả Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, Lã Bố xứng danh "chiến thần" trong Tam quốc diễn nghĩa (ảnh: Sohu).

Bấy giờ Viên Thiệu đang ở Ký Châu, nhận được tờ hịch của Tào Tháo liền đem 3 vạn quân đến hội binh. Ngoài Viên Thiệu là thế lực lớn nhất, Tào Tháo còn nhận được sự ủng hộ của các sứ quân khác, với những cái tên nổi bật như Viên Thuật (em Viên Thiệu), Khổng Du, Công Tôn Toản, Tôn Kiên, Đào Khiêm… Tổng cộng có 17 sứ quân tụ họp dưới lá cờ "trung nghĩa" của Tào Tháo.

Theo Tam quốc diễn nghĩa, trong 17 sứ quân, Công Tôn Toản là người nhận được sự góp sức của 3 anh em kết nghĩa là Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Khi Lưu Bị giới thiệu tên họ và dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, ông được Viên Thiệu (thủ lĩnh các sứ quân) coi trọng và dành cho một ghế, tính là sứ quân thứ 18. Lưu Bị đến góp sức đánh Đổng Trác nhưng không có binh mã, chỉ dẫn theo 2 em là Quan Vũ và Trương Phi. Trong Tam quốc diễn nghĩa, có nhiều đoạn Lưu Bị được gọi là "Lưu sứ quân".

3 huynh đệ kết nghĩa Lưu Bị, Trương Phi, Quan Vũ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Viên tướng đầu tiên được Đổng Trác cử ra ứng chiến với liên minh Viên Thiệu là Hoa Hùng. Hoa Hùng đánh đâu thắng đó, liên tiếp trảm các tướng Viên Thiệu phái đi. Chỉ đến khi Quan Vũ ra trận, Hoa Hùng mới bị hạ.

Tam quốc diễn nghĩa không miêu tả kỹ trận đánh của Quan Vũ với Hoa Hùng nhưng nhấn mạnh rằng, Quan Vũ chém đầu Hoa Hùng khi bát rượu Tào Tháo rót còn chưa kịp nguội. Chi tiết này cho thấy sức mạnh kinh người của Quan Vũ.

Tuy nhiên, theo Tam quốc chí (bộ chính sử thời Hán, Tấn) của sử gia Trần Thọ, người đánh bại Hoa Hùng không phải Quan Vũ mà là Tôn Kiên. Nói chính xác hơn, công lao của Tôn Kiên đã bị La Quán Trung "cướp đoạt", gán cho Quan Vũ.

Tam quốc chí chép, năm 191, Tôn Kiên dẫn quân đánh Đổng Trác, bị Trác vây khốn. Kiên cùng mấy chục kỵ binh phá vòng vây thoát được. Kiên ra trận thường đội khăn đỏ, quân Đổng Trác biết vậy cứ nhằm người đội khăn đỏ đuổi giết. Kiên tháo khăn đỏ lệnh cho tướng dưới quyền là Tổ Mậu đội vào. Tổ Mậu bị truy giết, tháo khăn ra treo lên cây cột mà trốn được.

Tôn Kiên sau đó thu nhặt tàn quân, mai phục đánh úp quân Đổng Trác một trận và thắng lớn, bêu đầu viên tiểu tướng là Hoa Hùng. Có người nói xấu Tôn Kiên với Viên Thuật. Viên Thuật ghen tỵ công lao của Tôn Kiên, cố tình vận lương chậm chạp khiến quân của Tôn Kiên mất sức chiến đấu.

Như vậy, Tam quốc chí khẳng định Quan Vũ không phải người đánh bại Hoa Hùng mà là Tôn Kiên. Thêm vào đó, Hoa Hùng cũng chỉ là "tiểu tướng" dưới quyền Đổng Trác, không phải viên đại tướng "thân cao chín thước, mình hổ lưng lang, đầu báo tay vượn" như La Quán Trung miêu tả.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, để tôn lên sức mạnh của Hoa Hùng, La Quán Trung còn viết Tôn Kiên dẫn quân đi tiên phong bị Hoa Hùng đánh bại. Tôn Kiên bị Hoa Hùng đuổi giết, may mắn trốn được. Tình tiết này càng khiến công lao của Tôn Kiên – người có vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống Đổng Trác – bị lu mờ.

Theo Người Đưa Tin

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/la-quan-trung-cuop-doat-gan-cho-quan-vu-chien-tich-chem-hoa-hung-2011369.html