Sản xuất bền vững: Điều gì đang làm khó doanh nghiệp dệt may?

Sản xuất bền vững là xu hướng không thể cưỡng lại nhưng doanh nghiệp dệt may đầu tư ra sao, lộ trình thực hiện như thế nào lại là vấn đề quan tâm.

Nhiều thách thức

Ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực, kim ngạch hàng năm đạt khoảng 40-45 tỷ USD chủ yếu xuất vào các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thị trường khó tính có yêu cầu rất cao về sản phẩm xanh.

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để có sản phẩm xanh, khâu đầu tiên là khai thác nguyên phụ liệu xanh cho sản xuất. Đây là một trong những thách thức của doanh nghiệp dệt may. Hiện nay, ngành dệt may nhập khẩu trên 70% nguyên phụ liệu, chỉ tự sản xuất được khoảng 30%.

Sản xuất bền vững: Điều gì đang làm khó doanh nghiệp dệt may? Ảnh: Dony

Sản xuất bền vững: Điều gì đang làm khó doanh nghiệp dệt may? Ảnh: Dony

Việc nhập khẩu nguyên phụ liệu và làm thế nào để biết nguồn gốc nhập khẩu ở đâu, có đảm bảo xanh, sạch hay không là vấn đề hết sức quan trọng. Do vậy, cần phải truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, vấn đề này phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu của doanh nghiệp”, ông Cẩm nói.

Nếu đối tác giao doanh nghiệp trong nước chọn nguyên liệu hoặc sản xuất theo hình thức mua đứt bán đoạn thì doanh nghiệp hết sức lưu tâm về tra soát nguồn gốc. Ví dụ, bông sản xuất ở đâu, sợi sản xuất như thế nào, kết cấu ra sao. Tất cả những vấn đề đó liên quan đến nguyên phụ liệu sạch, sản xuất sản phẩm sạch, xanh”, lãnh đạo Hiệp hội dệt may cho biết thêm.

Đáp ứng tiêu chuẩn xanh của các thị trường nhập khẩu, những năm gần, đây doanh nghiệp dệt may trong nước đã phát triển nguồn nguyên phụ liệu thân thiện môi trường như: Tơ tằm, xơ dứa, xơ chuối, vỏ sò, bã cà phê… Đặc biệt, các doanh nghiệp đã trồng cây gai xanh với diện tích lớn 5.000-6.000 ha tại Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên… đây sẽ là nguồn cung nguyên liệu xanh cho sản xuất. Dù vậy, để phát triển nguồn nguyên liệu đủ quy mô phục vụ cho sản xuất xuất khẩu cần nguồn vốn đầu tư khổng lồ, đây cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp.

Khuyến nghị từ chuyên gia

Sản xuất bền vững, phát triển sản phẩm xanh là xu hướng không thể cưỡng lại. Ý thức được vấn đề này, ngay từ đầu năm 2018 Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra mô hình PPP (P- doanh nghiệp phát triển xanh nhưng phải có lãi; P- nhân lực ngành dệt may thiếu lao động không thể sản xuất được; P- bảo vệ môi trường).

Bản thân hiệp hội cũng đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và cả lao động về phát triển bền vững.

Với khoảng 85% có quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp dệt may trong nước có nguồn lực khác nhau dành cho sản xuất xanh, bền vững. Cho nên sản xuất xanh không thể tiến hành bằng mọi giá mà cần triển khai phù hợp theo nguồn lực của doanh nghiệp và có bước đi phù hợp. Chỉ như vậy mới có thể đảm bảo doanh nghiệp vừa tồn tại phát triển vừa đảm bảo các yêu cầu xanh và sạch”, ông Cẩm phân tích.

Để không tụt hậu với xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh của thị trường dệt may thế giới, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, đầu tiên, doanh nghiệp phải tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu.

Về điều này, ông Cẩm cho biết thêm, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 3030, tầm nhìn đến năm 2035 trong đó có nội dung rất quan trọng là thành lập các tổ hợp dệt may, da giày lớn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến. Những tổ hợp lớn như vậy mới có thể tập trung đủ nguồn nước để xây dựng khu trung tâm xử lý nước thải, tái sử dụng cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Khu công nghiệp Tam Thăng – Quảng Nam đã thu gom xử lý khoảng 80% số nước thải, từ đó quay trở lại tái sử dụng với giá thành thấp hơn 15-20%”, ông Cẩm cho hay.

Đồng thời, lắp đặt điện mặt trời áp mái để có thể mua bán, trao đổi và sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Mặt khác, xanh hóa sản xuất, sản phẩm cần nguồn kinh phí rất lớn. Doanh nghiệp mong muốn nhà nước có chính sách về tín dụng xanh và hỗ trợ nhất định về lãi suất, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp xây dựng phương án chuyển đổi xanh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, bày tỏ: Một chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững là rất quan trọng.

Hiện thuế VAT giảm 2%, còn 8% cho tất cả các doanh nghiệp, vậy với doanh nghiệp sản xuất xanh nhà nước có thể xem xét giảm thêm một số loại thuế như thuế tiêu thụ năng lượng, thuế xăng dầu… nhằm kích thích đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Doanh nghiệp có chuyển đổi sang sản xuất xanh thành công hay không còn liên quan đến tiêu dùng bền vững. Theo đó, tại thị trường trong nước các chuyên gia còn cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, hệ thống bán lẻ cần có giải pháp hữu hiệu để người tiêu dùng nhận rõ đâu là sản phẩm xanh, ứng xử với sản phẩm đó như thế nào.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-ben-vung-dieu-gi-dang-lam-kho-doanh-nghiep-det-may-336208.html