Sản xuất bền vững – 'visa' để gia nhập thị trường F&B toàn cầu
Một trong những thách thức của ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) là sức ép cạnh tranh và khả năng chuyển mình theo những xu hướng tiêu dùng mới. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải tối ưu hóa được các nguồn lực, tập trung vào các yếu tố bền vững và phải liên tục đổi mới sáng tạo nếu muốn tồn tại và phát triển.
Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) bàn luận tại Diễn đàn CEO: “Phá vỡ rào cản và mở rộng thị trường ngành F&B” diễn ra ngày 11-1. Sự kiện do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức với sự đồng hành của nhãn hàng Tôn Colorbond, thuộc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, cùng các đơn vị phối hợp là Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM và Bureau Veritas Việt Nam.
Xu hướng, hành vi tiêu dùng ngành F&B đang thay đổi
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho rằng từ thực tiễn năm 2023 vừa qua, có thể thấy, doanh nghiệp ngành F&B vẫn đang gặp nhiều khó khăn cả trong sản xuất lẫn kinh doanh.
Điển hình như người tiêu dùng dần thay đổi hành vi mua hàng theo hướng cân nhắc, lựa chọn những sản phẩm đem lại lợi ích cho sức khỏe và có yếu tố bảo vệ môi trường nhiều hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành F&B cũng đang chịu nhiều sức ép thị trường quốc tế khi các nước đang đề ra những quy định cho hàng hóa nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn và sự cạnh tranh đến từ các nước lân cận như Thái Lan hay Trung Quốc khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa giành được chủ động về xuất khẩu hàng hóa, thị trường, công nghệ sản xuất
“Trước những thách thức này, doanh nghiệp cần ưu tiên một số giải pháp ngắn hạn để thích nghi với bối cảnh hiện nay. Trong đó, đơn vị cần điều chỉnh việc cung ứng sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ quản lý và điều hành, đổi mới việc cung cấp sản phẩm để mở rộng sang các thị trường lân cận…”, ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.
Đồng thời, ông khuyến nghị các doanh nghiệp nên tính lại chiến lược về sản phẩm, nguồn nhân lực, không thể bỏ qua khuynh hướng số hóa, tự động hóa và đặc biệt là phải đưa các sản phẩm theo xu hướng xanh, sạch và lành để thu hút thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ThS Đặng Bùi Khuê, chuyên gia tư vấn cấp cao F&B, chuyên gia tiêu chuẩn phát triển bền vững, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Vietnam (BV), việc tiếp cận thông tin về các quy định, yêu cầu mới của doanh nghiệp chưa cao, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Mặc dù đã có các chương trình giúp doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững nhưng một số doanh nghiệp ngành F&B còn chưa tiếp cận được. Doanh nghiệp chỉ dừng lại ở công đoạn kiểm kê khí nhà kính, tức chưa thực hiện việc kiểm kê khí thải carbon”, ông Đặng Bùi Khuê chia sẻ.
Nhà xưởng bền vững – ‘chìa khóa’ mở rộng cánh cửa thị trường
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing, cho biết ngành sữa những năm gần đây chững lại, không chỉ bởi vì kinh tế khó khăn sức mua suy giảm mà còn cạnh tranh khốc liệt, nhiều sản phẩm thay thế, người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao, càng phân mảnh.
“Ngày trước khi làm marketing có thể đưa ra một thông điệp cho tất cả mọi người nhưng ngày nay mỗi người một yêu cầu nên để đáp ứng tất cả khó khăn hơn”, ông Trí nói.
Bên cạnh đó, những quy định, tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn về phát triển bền vững, những biến động khó lường của thị trường thế giới ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng là áp lực với nhà sản xuất.
Tuy nhiên, ở góc nhìn của một người hoạt động trong ngành sản xuất sữa, ông cho rằng ngành hàng này còn dư địa phát triển rất lớn, sự sụt giảm nhu cầu do kinh tế khó khăn chỉ trong ngắn hạn. Chính vì vậy, Vinamilk đã chuẩn bị các bước cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
“Phát triển bền vững là “hộ chiếu” để thương hiệu đến với nhiều thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xác định chất lượng sản phẩm, giá cả và dịch vụ hậu mãi là ba yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của đơn vị”, vị giám đốc điều hành marketinh của Vinamilk chia sẻ.
Còn theo ông Diệp Nam Hải, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Cholimex nhấn mạnh, doanh nghiệp cần duy trì mục tiêu đề ra với những kế hoạch thực hiện sao cho chi tiết, trong đó, chú ý đến việc duy trì hệ thống quản trị chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ thông tin…
Đồng quan điểm, bà Lâm Tố Trinh, Phó tổng giám đốc Đổi mới sáng tạo và Phát triển kinh doanh của Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam cho rằng, muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp chỉ có con đường “xanh hóa” sản xuất, xa hơn là mục tiêu tiến đến xu hướng Net zero. Trong đó, nhà xưởng có ba vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh của doanh nghiệp F&B.
“Thứ nhất, nhà xưởng chính là bộ mặt thương hiệu, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của nhãn hàng và sản phẩm. Thứ hai, môi trường nhà xưởng đảm bảo vệ sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Cuối cùng, việc vận hành nhà xưởng hiệu quả sẽ giúp đơn vị tiết kiệm được năng lượng vận hành và tạo môi trường làm việc tốt hơn cho nhân viên”, bà Lâm Tố Trinh chia sẻ.
Đây là cũng nhận định của bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) khi cho rằng công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển và bắt kịp với bối cảnh xanh hóa, bền vững hiện nay.
“Con đường để chinh phục được các nhà xuất khẩu đang còn dài và nếu đơn vị nào đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững thì sẽ có cơ hội lớn trong việc đưa hàng hóa gia nhập với thị trường các nước”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.