Sản xuất cần theo tín hiệu thị trường

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một hiệp định có yếu tố rất quan trọng về phát triển bền vững. Nếu xuất khẩu bền vững sang EU thì thay vì chỉ thu được 10 đồng giá trị, doanh nghiệp có thể thu được đến 70-80 đồng.

Thị trường EU mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Thị trường EU mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Sản xuất bền vững có thể thu về gấp 8 lần giá trị

Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở lớn, hàng Việt có cơ hội xâm nhập vào nhiều thị trường. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu thay đổi, để xuất khẩu (XK) bền vững, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp (DN) ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đều phải trả lời được những câu hỏi sau một cách rõ ràng: Làm cái gì để bán hàng? Bán cho ai và bán giá bao nhiêu? Đã đến lúc phải thay đổi phương thức, thay đổi từ quan điểm, chủ trương cho đến tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của một thị trường nào đó chứ không phải sản xuất theo tập quán thói quen.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang tiếp tục đàm phán với các nước để mở rộng thị trường. Các DN cần tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA), như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh tăng trưởng XK.

Hiện nay nhiều mặt hàng của Việt Nam sang EU rất có lợi thế. Chẳng hạn EU đang tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam do thị hiếu tiêu dùng của người dân EU. Vì vậy, đây là lợi thế để các DN đẩy mạnh XK cà phê. Đặc biệt, EU cũng là thị trường nhập khẩu (NK) mặt hàng rau quả lớn nhất thế giới, trong khi tỷ trọng NK rau quả của Việt Nam vào EU còn rất thấp, nên đây chính là thị trường giàu tiềm năng để ngành rau quả Việt Nam khai thác trong thời gian tới.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, nếu XK bền vững sang EU, thay vì chỉ thu được 10 đồng giá trị, DN có thể thu được đến 70-80 đồng. EVFTA không phải FTA thông thường mà là một FTA có yếu tố rất quan trọng về phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, xu hướng của người tiêu dùng tại thị trường EU là ngày càng quan tâm cách DN làm ra sản phẩm, các sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có bền vững hay không và đối xử người lao động như thế nào?

Ở chiều ngược lại, yếu tố phát triển bền vững nếu được thực thi hiệu quả sẽ giúp cho DN nâng tầm giá trị và cũng giúp DN định hướng xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của DN Việt Nam tại thị trường châu Âu.

Cảnh báo sớm

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã chỉ rõ, từ cuối năm 2022 và đặc biệt là đầu năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các thị trường chúng ta có thế mạnh XK như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…

Đồng thời, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao sau đại dịch Covid -19 khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hóa của các thị trường XK chính của nước ta sụt giảm...

Do vậy để hỗ trợ xuất khẩu cho DN, Bộ Công thương đã và đang theo dõi các thị trường lớn, đặc biệt là các điều chỉnh chính sách tại các thị trường để kịp thời đưa ra cảnh báo cho DN... Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường và đổi mới công tác về xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, nhiều tiềm năng. Tăng cường tuyên truyền, phố biến và hỗ trợ DN khai thác các thế mạnh, những ưu đãi trong các FTA.

Để hỗ trợ DN kịp thời ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Trọng Nghĩa - Phó trưởng Phòng XNK khu vực TPHCM, Cục XNK (Bộ Công thương) lưu ý: DN khi làm C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa), cần khai báo trung thực, chính xác, rõ ràng. Không vì một lý do nào đó, DN khai báo gian dối để cố tình lấy được C/O vì hậu quả về sau sẽ rất lớn. Một khi EU phát hiện C/O của DN không trung thực, họ sẽ lập đoàn để xác minh. Khi có kết quả xuất xứ hàng hóa không đúng, thì họ không chỉ áp thuế cho lô hàng XK của DN, mà sẽ áp thuế cho cả ngành hàng đó.

Dữ liệu thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 29,4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay. Mặc dù giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU ngày càng tăng do tác động tích cực của EVFTA.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/san-xuat-can-theo-tin-hieu-thi-truong-5739379.html