Sản xuất chiếu nan - nghề mới tạo việc làm cho lao động nông thôn
Theo Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng, hiện có 23 tỉnh có rừng tre, trúc, luồng nứa trồng tập trung, với diện tích từ 10 nghìn ha trở lên.
Trong đó, các tỉnh có trữ lượng lớn, tập trung là: Thanh Hóa, Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Kon Tum và Bình Phước. Hầu hết tre, luồng được đánh giá là nguyên liệu rất tốt, bởi thớ tre nhỏ, có độ dẻo và độ đàn hồi cực tốt nên thuận lợi cho sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo.
Là doanh nghiệp đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng chiếu cói, chiếu nan tiêu thụ nội địa, nhận thấy nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động dồi dào, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Đình Của đã đầu tư gần 12 tỷ đồng xây lắp nhà xưởng, thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất chiếu nan tại thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô).
Được biết, với quy trình sản xuất kép kín, nguyên liệu đầu vào là cây tre, trúc, nứa, luồng và đầu ra là các thành phẩm hoàn chỉnh gần 10 mẫu sản phẩm, hiện xưởng sản xuất chiếu nan của Công ty cần trên 700 lao động tham gia. Các lao động được phân theo các tổ, đội sản xuất theo quy trình: chuẩn bị nguyên liệu, phân loại, cắt, chẻ nan, sấy khô, phân loại nan, công đoạn dệt, ép chiếu, in hoa văn, cắt theo kích thước, may, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng gói và nhập kho thành phẩm.…
Anh Nguyễn Đăng Hiệp, xóm 5, xã Yên Mỹ (Yên Mô) cho biết, vài năm trước đây, tôi làm thợ kỹ thuật điện lạnh cho một đơn vị tại Hà Nội, nhưng do dịch bệnh, công ty cắt giảm nhân lực, nên sau nghỉ Tết tôi bị thất nghiệp. Trong bối cảnh địa phương không có việc làm phù hợp, đến cuối tháng 2/2021, tôi được tuyển dụng vào Tổ ép chiếu Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Đình Của.
Đã từng là thợ kỹ thuật, nay chuyển sang điều khiển máy ép chiếu, công việc đơn giản, khá nhẹ nhàng, thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng. Còn tổ may, chị Đào, chị Nhàn cùng quê ở xã Yên Lộc (Kim Sơn), sáng đi làm, chiều về nhà khoảng 7 km. Tùy theo năng lực lao động, thu nhập bình quân của công nhân ở tổ may đạt từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng.
Được biết, tất cả các công nhân tuyển dụng vào đều được ký hợp đồng lao động rõ ràng. Xưởng sản xuất bố trí làm việc theo ca và được hỗ trợ 1 bữa ăn trưa.
Nhờ được đầu tư máy móc, dây chuyền thiết bị nên nhiều công đoạn được rút ngắn về thời gian, đồng thời cho ra sản phẩm đồng đều, chất lượng. Cụ thể như công đoạn chẻ, vót nan bằng máy vừa tạo được những nan tre nhỏ theo yêu cầu kích thước, vừa hạn chế phần bị loại bỏ gây lãng phí. Hay như công đoạn hấp, sấy khô sử dụng nhiệt của lò hơi, vừa rút ngắn thời gian so với hình thức phơi nắng như trước đây, đồng thời có được chất lượng nan khô, chống mối, mọt theo yêu cầu của từng sản phẩm.
Cũng như để tăng độ bền, tính linh hoạt và thẩm mỹ của chiếu, đầu tư dây chuyền ép, sử dụng nhiệt lò hơi ở nhiệt độ cao kết hợp với vải và keo ép vào mặt trái của chiếu… Điều này giúp cho công tác bảo quản, vệ sinh vô cùng đơn giản, nên chiếu dùng rất bền.
Có thể nói, quy trình sản xuất chiếu nan được đầu tư xây dựng với các tiêu chuẩn cao nhất hiện nay, nên sản phẩm sản xuất ra đẹp đồng đều, làm được các mẫu hàng theo yêu cầu thị hiếu khách hàng, nên có nhiều thuận lợi, ưu thế thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường.
Hơn nữa, chiếu nan là sản phẩm mới, chưa có đơn vị nào đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đó là lợi thế để sản phẩm chiếu nan dễ dàng thâm nhập thị trường trong và ngoài tỉnh. Được biết, giá trị thành phẩm xuất bán của Công ty khá thấp, vì tận dụng được lực lượng lao động tại chỗ, không phải chịu các chi phí, vận chuyển và nhập khẩu, kho. Ví như, chiếu tăm hoa, in hoa, mộc lá, ép lụa cao cấp... có giá bán từ 130 đến 235 nghìn đồng/sản phẩm.
Theo anh Phùng Văn Năm, Quản lý Xưởng sản xuất: Với mặt bằng, trang thiết bị dây chuyền và nhân công hiện nay, chúng tôi có đủ năng lực sản xuất được 2,5 triệu sản phẩm/năm. Xưởng đã và đang thực hiện gần 10 mẫu sản phẩm chiếu các loại. Các mặt hàng xuất xưởng không hề thua kém sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ chất lượng và sự đa dạng về mẫu mã. Thậm chí nhiều thuộc tính của mặt hàng còn vượt trội, như: bề mặt nhẵn nhụi, bóng mịn, giữ màu sắc, hương thơm tự nhiên, trang trí bằng họa tiết trang nhã, tinh tế phù hợp với văn hóa Việt Nam, đặc biệt có giá thành thấp hơn…
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng trong nước, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Đình Của không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động marketing, lên kế hoạch xúc tiến thương mại hướng tới xuất khẩu sang thị trường Trung Phi.
Việc mạnh dạn đầu tư sản xuất phẩm chiếu nan- sản phẩm mới trên địa bàn huyện Yên Mô, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu trong chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh Ninh Bình cũng như của Chính phủ. Công ty đã thực hiện dự án "Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chiếu nan" và nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, bộ, ngành tạo điều kiện hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn Khuyến công quốc gia năm 2021.
Mô hình đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Qua đó góp phần tạo dựng cơ sở hạ tầng cho Công ty phát triển, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng KHKT, công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm mới, chất lượng cao, giá thành hạ, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững.
Việc xây dựng được mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chiếu nan tại cơ sở làm điển hình, tổ chức hội nghị giới thiệu, triển khai để các tổ chức, cá nhân đến tham quan, học hỏi áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, thực hiện nhân rộng ra địa bàn huyện Yên Mô và tỉnh Ninh Bình.
Bài, ảnh: Minh Đường