Sản xuất công nghiệp của Nhật Bản gặp khó do bê bối gian lận

Ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ bê bối gian lận kiểm tra an toàn liên quan đến một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất của nước này.

Nhà máy của Daihatsu Motor ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhà máy của Daihatsu Motor ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Daihatsu Motor nhận được những ý kiến trái chiều vào năm 2023 vì gian lận các đợt kiểm tra an toàn xe mới. Gần đây hơn, công ty mẹ của Daihatsu là Toyota Motor thừa nhận có những bất thường trong việc kiểm tra an toàn để cấp chứng nhận cho các mẫu xe mới.

Những vấn đề này dẫn đến việc các công ty phải tạm thời đóng cửa sản xuất để giải quyết. Những động thái này đã được phản ánh trong tổng số liệu sản xuất của Nhật Bản.

Báo cáo được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố vào ngày 28/6 cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 của nước này tăng 2,8% so với tháng Tư, đánh dấu lần tăng đầu tiên sau hai tháng, khi Daihatsu nối lại sản xuất. Chỉ số sản xuất của ngành ô tô trong tháng Năm tăng vọt 18,1% so với tháng trước, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, các mẫu xe của Daihatsu bị tạm dừng sản xuất chiếm 17% sản lượng xe ô tô chở người của Nhật Bản trong năm 2023.

Đóng góp lớn thứ hai vào sự gia tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2024 là ngành máy móc điện và thiết bị điện tử thông tin và truyền thông, với sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ đối với các sản phẩm liên quan đến ô tô như thiết bị chiếu sáng điện. Các số liệu này đã phục hồi sau sự sụt giảm do việc ngừng hoạt động tại Daihatsu.

Chỉ số sản xuất tháng 5/2024 của Nhật Bản ở mức 103,6, thấp hơn mức đỉnh gần đây nhất ghi nhận được là 105 vào tháng 12 năm ngoái, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất hiện tại là không quá mạnh mẽ và có thể chỉ mang tính tạm thời.

Nhìn vào dự báo tháng Sáu của ngành công nghiệp chế tạo, danh mục thiết bị vận tải, bao gồm ô tô, dự kiến giảm 6,4% so với tháng Năm, tồi tệ hơn mức giảm 4,8% trong cuộc khảo sát tháng trước. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các dây chuyền sản xuất khác dừng hoạt động, chẳng hạn như tại Toyota do vụ việc gần đây của hãng, cũng đang có tác động tới chỉ số sản xuất. Tuy nhiên, các mẫu xe bị ảnh hưởng bởi việc ngừng hoạt độngcủa Toyota và các nơi khác chỉ chiếm 1,6% sản lượng xe ô tô chở người.

Ông Takeshi Minami thuộc Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết: "Đà tăng của tháng 5 sẽ không kéo dài, và chỉ số sản xuất có thể giảm trở lại vào tháng Sáu và tháng Bảy". Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng ô tô vẫn có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân, qua đó có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho sự ra đời của các công ty khởi nghiệp "kỳ lân" có giá trị trên 1 tỷ USD bằng cách hỗ trợ họ ký kết những hợp đồng công bằng hơn với các doanh nghiệp lớn.

Nhật Bản có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, pin nhiên liệu và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho rằng các doanh nghiệp này thường hoạt động như nhà thầu phụ cho các công ty lớn với các điều khoản bất lợi, dẫn đến việc khó phát triển mạnh mẽ.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ triển khai các hợp đồng mẫu miễn phí để giúp những công ty khởi nghiệp có nguồn lực pháp lý hạn chế dễ dàng đàm phán hơn với các đối tác lớn hơn.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản có kế hoạch thành lập một nhóm chuyên gia gồm luật sư, giám đốc điều hành và các nhà nghiên cứu. Nội dung hợp đồng mẫu sẽ được hoàn thiện vào cuối năm. Các hợp đồng này sẽ bao gồm những lĩnh vực như quyền đối với sản phẩm do các công ty khởi nghiệp phát triển, cũng như xác định mức bồi thường hợp lý.

Sau khi hợp đồng được ký kết, các công ty khởi nghiệp có thể nâng cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ của mình trước khi bắt đầu cung cấp đầy đủ, toàn diện cho công ty lớn. Các hợp đồng mẫu sẽ đóng vai trò như một rào chắn ngăn các công ty lớn chiếm đoạt quyền sản phẩm một cách bất công.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng sẽ xem xét các hợp đồng giải quyết vấn đề phân bổ quyền khi cả hai bên cùng hợp tác để nâng cấp sản phẩm hoặc dịch vụ.

Năm 2022, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch phát triển công ty khởi nghiệp 5 năm, khuyến khích "sáng tạo mở" giữa các công ty khởi nghiệp và các tập đoàn lớn.

Công nghệ mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đầu tư vào công ty khởi nghiệp ở Nhật Bản ước tính đạt 850 tỷ yen (5,4 tỷ USD) trong năm 2023, gấp gần 10 lần so với con số cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang bị tụt lại so với các nước khác. Theo CB Insights, tính đến tháng 3/2024, nước này chỉ có 7 công ty khởi nghiệp "kỳ lân", trong khi Mỹ có 656 công ty và Trung Quốc có 168 công ty.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản trong quý I/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 quý.

So với quý trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,5%. GDP của Nhật Bản giảm do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng cao và việc công ty Daihatsu Motor Co. thuộc tập đoàn sản xuất ô tô Toyota tạm ngừng xuất khẩu sau bê bối gian lận kiểm tra an toàn xe.

Tiêu dùng cá nhân vốn đóng góp hơn 50% cho nền kinh tế Nhật Bản giảm 0,7%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản giảm và là chuỗi giảm dài nhất trong 15 năm qua, cho thấy nhu cầu trong nước đang suy yếu, một yếu tố quan trọng để Nhật Bản thúc đẩy chu kỳ tăng lương và giá.

Chi phí tài sản cố định cũng giảm 0,8%, lần giảm đầu tiên trong 2 quý, khi các công ty Nhật Bản hạn chế đầu tư vào máy móc và các mặt hàng liên quan đến ô tô sau vụ bê bối gian lận dữ liệu tại Daihatsu. Ngành ô tô là động lực chính của nền kinh tế Nhật Bản nhưng số liệu GDP nói trên đã phản ánh tác động nghiêm trọng của vụ bê bối ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và các công ty cũng như xuất khẩu.

Minh Trang (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/san-xuat-cong-nghiep-cua-nhat-ban-gap-kho-do-be-boi-gian-lan/338939.html