Sản xuất công nghiệp phát triển tích cực: Niềm tin vào một giai đoạn tăng trưởng tốt

Theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các chỉ số sản xuất công nghiệp, nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đều ở mức rất tốt.

Điều đó cho thấy một bức tranh tươi sáng của ngành sản xuất Việt Nam, phản ánh niềm tin vào một giai đoạn tăng trưởng tốt của lĩnh vực sản xuất hàng hóa, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, với hy vọng doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững...

Những chỉ số tích cực

Sản xuất công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Sự phát triển của sản xuất công nghiệp có tác động lan tỏa mạnh mẽ tới sự phát triển của các ngành kinh tế khác, đồng thời góp phần quan trọng quyết định tới chất lượng tăng trưởng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước công nghiệp hiện đại. Để đạt được mục tiêu ấy, chúng ta cần thúc đẩy và duy trì sự phát triển bền vững, cả về số lượng và chất lượng của sản xuất công nghiệp.

Sản xuất tại Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Sản xuất tại Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp của nước ta tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 11,2%, tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Về mức độ tăng trưởng của từng ngành, trong 7 tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%. Tính theo địa phương, IIP 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

"Những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đã phản ánh một bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước", Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, sản xuất công nghiệp đang có đà phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở lại với vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết địa phương trên cả nước. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp nước ta khôi phục rất tích cực, sẵn sàng tận dụng cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Cùng với đó, niềm tin của doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp những tháng qua.

Cùng với IIP, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất (PMI) cũng là bộ chỉ số quan trọng đo lường sự phát triển của ngành sản xuất. Theo báo cáo do S&P Global cung cấp, PMI của Việt Nam tháng 7 đạt 54,7 điểm. Nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì PMI của Việt Nam đang dẫn đầu khu vực. Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence, phân tích: Việc lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có thể tiếp nối đà tăng trưởng mạnh mẽ làm tăng thêm sự lạc quan rằng ngành sản xuất của Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt, giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước.

Vẫn còn nhiều thách thức

Nếu nhìn vào cơ cấu ngành hàng, địa phương đóng góp vào tăng trưởng chung của IIP sẽ thấy tăng trưởng IIP ở nước ta không đồng đều. Thậm chí, có ngành sản xuất công nghiệp và có địa phương có IIP giảm. Điều đó cho thấy, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để duy trì đà tăng trưởng bền vững và trên diện rộng của sản xuất công nghiệp trong nước, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta vẫn chưa được giải quyết triệt để.

 Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng năm 2024. Ảnh do Tổng cục Thống kê cung cấp

Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng năm 2024. Ảnh do Tổng cục Thống kê cung cấp

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, ngành sản xuất công nghiệp của nước ta sẽ phải đối mặt với một số khó khăn. Đó là năng lực sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nội địa còn yếu, còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, giá trị gia tăng ngành công nghiệp nội địa thấp. Trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành sản xuất công nghiệp; doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu cụ thể, chưa đa dạng hóa. Về vĩ mô, sức ép lạm phát, tình hình thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều quyết định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhất là các đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn, việc các nước tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng gây ra những tác động không mong muốn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sản xuất công nghiệp của nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh là đáng mừng, nhưng không nên quên những nỗi lo hiện hữu và cả những rủi ro khó đoán định để sẵn sàng đối mặt với những kịch bản khác nhau, nhằm hướng tới mục tiêu lớn nhất là duy trì đà tăng trưởng, tránh rủi ro khi gặp những cú sốc bất ngờ từ thị trường.

Đưa ra những khuyến cáo đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ông Andrew Harker phân tích: Các doanh nghiệp cần giải quyết được vấn đề theo kịp nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp cần tăng lực lượng lao động nhanh hơn, bảo đảm mua được nguyên liệu bổ sung nếu xu hướng hiện tại của các đơn đặt hàng mới được duy trì trong tháng tới.

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh mong muốn Nhà nước tiếp tục có những giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn thì cần giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh để chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện hơn với môi trường, tránh bị áp thuế cao từ các nước nhập khẩu hàng hóa; có giải pháp phòng vệ thương mại với những mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước...

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn; khuyến khích mua sắm, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới cho các ngành hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta...

Trên con đường phát triển, bên cạnh cơ hội, thuận lợi cũng khó tránh khỏi khó khăn, thử thách. Quan trọng là chúng ta đã chủ động có phương án ứng phó như thế nào với từng kịch bản cụ thể. Hy vọng, Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới của sản xuất công nghiệp, như phân tích của các chuyên gia, và chúng ta sẽ sớm đạt mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra...

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/san-xuat-cong-nghiep-phat-trien-tich-cuc-niem-tin-vao-mot-giai-doan-tang-truong-tot-790032