Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025

Bộ Công thương đặt ra mục tiêu sản xuất công nghiệp năm 2025 tăng 9 - 10%. Đây là mục tiêu rất thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều biến động. Mặc dù vậy, với sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp trong thời gian qua, mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp 2 con số là khả thi.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của các địa phương trên cả nước trong tháng 1/2025 tăng ở 47 địa phương. Ảnh tư liệu

Chỉ số sản xuất công nghiệp của các địa phương trên cả nước trong tháng 1/2025 tăng ở 47 địa phương. Ảnh tư liệu

Sản xuất công nghiệp tháng đầu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/2/2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước, do Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra trong tháng… Tuy nhiên, so với tháng 1/2024 vẫn tăng nhẹ 0,6%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 0,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%. Riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%.

Trong tháng 1/2025, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất xe có động cơ tăng 33,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,3%; sản xuất trang phục tăng 6,1%; dệt tăng 4,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,1%.

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ nguồn hàng cho xuất khẩu

Trong năm 2025, ngành công thương tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu với mục tiêu tăng khoảng 6% so với năm 2024.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp của các địa phương trên cả nước trong tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm trước, báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi nhận tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương.

Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp tháng đầu năm 2025, Bộ Công thương cũng ghi nhận không khí nhập cuộc của doanh nghiệp ngay từ đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp tổ chức sản xuất xuyên Tết, điển hình như sản xuất lọc dầu, điện, xi măng, dệt may… để đảm bảo đơn hàng trong quý I/2025.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, có 16 doanh nghiệp tại các KCN: Đình Trám, Quang Châu, Việt Hàn, Vân Trung (cùng thị xã Việt Yên); Hòa Phú (Hiệp Hòa) và Song Khê - Nội Hoàng (TP. Bắc Giang) với tổng số hơn 8 nghìn lao động đăng ký làm việc trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (tăng hơn 3 nghìn người so với dịp Tết Giáp Thìn). Thời gian làm việc từ ngày 26 đến hết ngày 31/1 (tức từ ngày 27 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết 2025).

Để sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng 2 con số

Đề cập đến mục tiêu tăng trưởng công nghiệp 2 con số trong năm 2025, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) dự báo, trong năm 2025, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị mới. Tuy nhiên, ở trong nước, các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội hơn từ việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao...

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp. Mặt khác, cần tiếp tục hội nhập sâu, có chất lượng vào nền kinh tế thế giới, tham gia sâu một cách tự tin vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, ông Bùi Duy Quang - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình cho rằng, công nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Với những kết quả đạt được trong năm 2024 và những năm qua, sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự quyết tâm đồng lòng của doanh nghiệp trong các KCN sẽ tạo tiền đề, nền tảng cho sự phát triển của các KCN trong năm 2025.

"Năm 2025, Ban quản lý KCN khuyến nghị doanh nghiệp phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các KCN tạo nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Về các chỉ tiêu phấn đấu, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt trên 72.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD; thu ngân sách đạt trên 14.480 tỷ đồng; duy trì việc làm cho trên 39.000 lao động" - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình cho hay.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết thêm, nhằm cụ thể hóa mục tiêu sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng 2 con số, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, ngành Công thương tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Khẩn trương đề xuất ban hành Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn mới (2025 – 2035) để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp nội địa đáp ứng các yêu cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đón đầu các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài mới.

Sản xuất công nghiệp - cơ hội và thách thức đan xen

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2025 trong ngắn hạn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề cập đến 7 rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, gồm: thắt chặt chính sách tiền tệ gây tác động nhiều hơn dự kiến; thị trường tài chính định giá lại do đánh giá lại chính sách tiền tệ; căng thẳng nợ công gia tăng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển; ngành bất động sản Trung Quốc thu hẹp sâu hơn dự kiến; giá hàng hóa tăng đột biến do hậu quả của các cú sốc khí hậu; xung đột khu vực hoặc căng thẳng địa chính trị rộng hơn; các quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ; bất ổn xã hội tiếp diễn. Các rủi ro này có thể có những tác động không tốt tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Tuy nhiên nếu tận dụng tốt các lợi thế, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, Việt Nam có thể tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo.

Theo đó, nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tiếp tục khởi sắc từ nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo triển vọng tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp sau. Doanh nghiệp dệt may da giày đã có đơn hàng đến 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nhóm ngành gỗ đã có sự hồi phục đáng kể, tiếp tục có tăng trưởng cao.

Riêng đối với ngành sản xuất điện tử bán dẫn, những chính sách mới sẽ góp phần tạo sức hút FDI trong năm 2025 cũng như thu hút sự dịch chuyển luồng đầu tư từ các nước sang Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/san-xuat-cong-nghiep-tiep-tuc-la-dong-luc-tang-truong-kinh-te-nam-2025-170300-170300.html