Sản xuất hiện đại, nông dân Long An gặt lúa 'vàng'

Gần 3 năm qua, ông Châu Thành Rạng, ấp 3 xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chuyển từ sản xuất tự phát sang xây dựng cánh đồng lớn. Cơ giới hóa được đưa vào canh tác, sản phẩm làm ra được HTX ấp 1 bao tiêu, không còn lo thương lái ép giá.

HTX Nông nghiệp ấp 1, xã Thủy Tây là HTX sản xuất lúa tiên phong ứng dụng công nghệ cao ở Thạnh Hóa, được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí để trang bị hàng loạt máy móc hiện đại phục vụ trồng trọt như 10 máy phun xịt thuốc đeo vai, 10 máy phun giống và phun phân đeo vai…

Tiến tới 100% cơ giới hóa

Ông Châu Thanh Rạng cho hay, vào HTX, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang cánh đồng lớn lợi đơn lợi kép, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường sinh thái, sức khỏe của người lao động.

Đơn cử, về sản xuất, theo ông Rạng, 100% các cánh đồng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao của thành viên, nông dân liên kết với HTX hiện có hệ thống đê bao, trạm bơm điện hoàn chỉnh, giúp người dân chủ động trong sản xuất.

Các khu canh tác cũng được hệ thống đường giao thông bảo đảm tốt cho việc đi lại và giao thương, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp của người dân. Máy móc hiện đại đang giúp người trồng lúa tiết kiệm trên 50% công lao động, giảm 30-50% chi phí đầu vào…

Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân trồng lúa huyện Thạnh Hóa thu lợi kép.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân trồng lúa huyện Thạnh Hóa thu lợi kép.

“Để được HTX bao tiêu, 100% sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, cánh đồng xanh, không sử dụng các chất hóa học độc hại. Giá bán được đảm bảo, thu mua tận ruộng. Chúng tôi chỉ cần chuyên tâm sản xuất, làm ra những sản phẩm chất lượng”, ông Rạng phấn khởi nói.

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa, thời gian qua, các diện tích lúa trên địa bàn được thực hiện 100% cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Hiện địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại cây trồng chủ lực như cây lúa, cây chanh…

Kết quả thực tế cho thấy lúa ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất 10-20% trên 1 đơn vị diện tích, đồng thời giảm chi phí đầu vào 2-3 triệu đồng/ha/vụ. Việc áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng góp phần giảm công lao động, giống, thuốc bảo vệ thực vật.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích và mạnh dạn tham gia chương trình”, vị đại diện Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa cho hay.

Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều HTX khác tại các vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao của huyện cũng được hỗ trợ mua máy làm đất, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp,... giúp đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Nâng cao hàm lượng kỹ thuật

Trên cánh đồng lúa xã Thạnh An, hàng trăm nông dân đang say mê sản xuất lúa sạch theo hướng hiện đại. Anh Lê Tấn Phước chia sẻ trước đây việc sản xuất lúa theo truyền thống cho hiệu quả rất thấp, sau khi nông dân tham gia HTX và được ngành chức năng hỗ trợ, hiệu quả dần nâng lên.

“7 công lúa của gia đình tôi bây giờ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, bên cạnh cái lợi về kinh tế, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất còn đem đến cái lợi về môi trường, sức khỏe”, anh Phước phấn khởi nói.

Để có được những thành quả hiện tại, trong những năm qua, xã Thạnh An đã triển khai thực hiện các phương pháp sản xuất lúa hiện đại như giảm lượng giống gieo sạ, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, công nghệ sinh thái, mang lại những lợi ích lớn về kinh tế, bảo vệ môi trường.

Ở xã Thủy Đông, HTX Nông nghiệp ấp Nước Trong cũng đang là một trong những điểm sáng trong phát triển nông nghiệp hiện đại với 26ha đất trong vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Năm 2022, từ nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất của tỉnh, HTX đầu tư mua 1 máy cấy lúa, hệ thống gieo mạ khay, với tổng trị giá 430 triệu đồng.

Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 25.800ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích trồng lúa trên 19.600ha, chanh gần 600ha. Đáng chú ý, huyện đã xây dựng được hơn 50 mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 3.160ha.

Qua triển khai, thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, người dân đã thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ góp phần giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay.

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện xây dựng 6.000ha vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó gồm 5.700ha lúa tại tất cả các xã trong huyện và 300ha chanh chủ yếu tập trung ở xã Thuận Bình và Tân Hiệp.

Để hoàn thành mục tiêu, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là trên các cây trồng lợi thế như lúa, chanh... Qua đó, giúp việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện cũng tăng cường chuyển giao khoa học - công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/san-xuat-hien-dai-nong-dan-long-an-gat-lua-vang-1092718.html