Sản xuất, kinh doanh sữa, thuốc tây, thực phẩm chức năng: Cần được kiểm soát chặt hơn

Gần đây, Bộ Công an phát hiện một số vụ việc làm giả sữa bột, thực phẩm chức năng, thuốc tây quy mô lớn. Đây là những mặt hàng trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Công an phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) phát hiện kho thuốc tây không có hóa đơn chứng từ. Ảnh: Hồng Nam

Công an phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) phát hiện kho thuốc tây không có hóa đơn chứng từ. Ảnh: Hồng Nam

Điều này đặt ra vấn đề cần siết chặt hơn nữa trong quản lý các loại sữa và thuốc tây, thực phẩm chức năng từ khâu sản xuất đến kinh doanh.

Lo lắng trước tình trạng sữa giả, thuốc giả

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an vừa khởi tố thêm một vụ án sản xuất buôn bán 100 tấn thực phẩm chức năng giả Thành phố Hà Nội. Liên quan đến vụ việc này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 bị can về hai tội danh: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Làm việc với cơ quan điều tra, các đối tượng liên quan vụ án trên khai nhận chất lượng sản phẩm thực tế chỉ đạt một phần nhỏ so với công bố, đặc biệt ở những thành phần không nằm trong chất lượng chủ yếu chỉ đạt 20-30%. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, nhưng khi quảng bá ra thị trường, các đối tượng cố tình công bố là nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Cẩn trọng khi mua hàng online

Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng online; cảnh giác trước những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội; không mua sữa, thuốc tây qua các kênh thông tin không chính thống… Khi có bệnh cần đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc phù hợp; mua thuốc tại những nhà thuốc uy tín…

Trước đó, vào giữa tháng 4-2025, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh; thu giữ hàng chục ngàn hộp thuốc giả, máy móc dây chuyền sản xuất cùng nhiều vật chứng khác. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả.

Tại Đồng Nai, ngày 7-4, Công an phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) cho biết, đơn vị vừa kiểm tra, phát hiện một căn nhà ở khu phố 2A, phường Long Bình sử dụng làm kho chứa các loại thuốc tây và các sản phẩm khác không có hóa đơn chứng từ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ nhà chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số thuốc trên, địa điểm kinh doanh không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.

Không chỉ triệt phá đường dây làm giả thuốc tây, thực phẩm chức năng, lực lượng công an còn phát hiện, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, ngày 12-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận; đồng thời, khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây nói trên cùng 6 bị can khác về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến nay, đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.

Việc sản xuất, buôn bán sữa và thuốc tây giả, không rõ nguồn gốc không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, gây tốn kém cho người tiêu dùng, mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng như: người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, bệnh nhân…

Bà Vũ Thị Thủy (ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) cho biết, bà thường mua thuốc chữa bệnh thấp khớp, thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội do nghe quảng cáo rất hay, giảm đau cấp tốc nên bà mua dùng, chứ không biết rõ về nguồn gốc của loại thuốc này. Bà kiến nghị cần tăng cường các giải pháp kiểm soát để ngăn các loại thuốc tây, thực phẩm chức năng trên thị trường, nhất là trên không gian mạng.

Kiểm soát chặt, ngăn hàng giả ra thị trường

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn ngừa hàng giả, trong đó có thuốc tây giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả ra thị trường, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, mua bán, phân phối, quảng cáo cho hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như: sữa, thuốc tây, thực phẩm chức năng; tăng cường kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc để kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất hàng giả, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để ngăn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả hoặc sữa giả đi vào các bệnh viện, nhà thuốc, trường học thì vai trò của người đứng đầu các đơn vị này rất quan trọng. Một hiệu trường trường mầm non tư nhân đóng tại phường Bình Đa (thành phố Biên Hòa) cho biết, thời gian qua, có rất nhiều người đến chào bán sữa cho nhà trường với tỷ lệ chiết khấu rất cao, lên đến 40%. Tuy nhiên, các loại sữa này có tên gọi rất lạ, không có thương hiệu nên bà đã thẳng thắn từ chối và vẫn quyết định mua sữa có thương hiệu, lựa chọn nhà phân phối uy tín để đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe cho học sinh,

“Theo tôi, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng, bổ sung các chất như: sắt, canxi, vitamin D, DHA… rất tốt cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Nếu trẻ uống sữa giả có nguy cơ thiếu các chất này dẫn đến thiếu cân, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, thế hệ tương lai của đất nước” - hiệu trưởng trên bày tỏ.

Tương tự, chị L.M. (chủ tiệm thuốc tây ở phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) chia sẻ kinh nghiệm ngăn thuốc giả vào tiệm thuốc của mình là: chú ý chọn nhà cung cấp có uy tín (những công ty dược lớn của Việt Nam) và ký hợp đồng lâu dài. Hàng nhập vào nhà thuốc phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Riêng thực phẩm chức năng phải có hợp đồng, giấy công bố sản phẩm; quảng cáo phải có giấy phép Sở Y tế. “Tôi nói không với hàng sỉ ở chợ; không lấy hàng qua trình dược bán hàng lung tung. Tất cả hàng nhập vào phải biết nguồn gốc” - chị L.M. cho biết.

Để không mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi người dân cần trang bị kiến thức tiêu dùng trong nhận biết hàng giả, kém chất lượng để bảo vệ bản thân, gia đình. Theo đó cần mua hàng ở những nơi uy tín; chọn thương hiệu uy tín, rõ nguồn gốc; hàng hóa còn tem, nhãn mác, hạn sử dụng, có mã vạch thì càng tốt...

An An

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình:

Kiểm soát chặt việc mua bán, sử dụng thuốc tại các bệnh viện

Sở Y tế vừa có văn bản nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh kinh doanh, phân phối, sử dụng 21 loại thuốc giả mà Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cảnh báo. Chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện thuốc giả, phải khẩn trương báo về phòng y tế địa phương và Sở Y tế, số điện thoại: 02513.840.654 hoặc 0967891717 để kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ.

Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh rà soát lại quy trình mua thuốc, cung ứng thuốc và tình hình cung ứng thuốc trong thời gian qua; bảo đảm thuốc được cung ứng là thuốc đã được cấp giấy phép lưu hành và cung ứng bởi các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Trường hợp phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ bất thường, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng thuốc và báo cáo cơ quan quản lý y tế, cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật…

Hạnh Dung (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/san-xuat-kinh-doanh-sua-thuoc-tay-thuc-pham-chuc-nang-can-duoc-kiem-soat-chat-hon-cb30116/