Sản xuất lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 7,8 triệu tấn, thu về hơn 4,4 tỷ USD, tăng 16,2% về lượng và 36,3% về giá so với năm 2022. Đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Gạo Việt Nam cũng đang có mức giá cao nhất so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như: Thái Lan, Pakistan…
Do đó, những vụ thu hoạch vừa qua, nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận tốt vì lúa bán ra liên tục đạt mức cao. Đây là thuận lợi để nông dân trồng lúa tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa theo hướng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhân rộng diện tích lúa chất lượng cao theo mô hình kinh tế tuần hoàn để không ngừng nâng giá trị cho gạo Việt.
* Giá trị ngành lúa gạo tăng cao
Hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch vụ lúa thu đông. Giá lúa khô bán cho thương lái được 9,5-10 ngàn đồng/kg, một số loại lúa đặc sản có giá từ 12-14 ngàn đồng/kg, đây là mức giá cao chưa từng có từ trước đến nay. Với giá bán này, nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận tốt.
Ông Nguyễn Hữu Hắn, nông dân tại xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) cho biết, hiện giá lúa khô bán tại ruộng là 9,5 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 3 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Những vụ thu hoạch lúa từ đầu năm đến nay đều bán được giá cao hơn mọi năm và đầu ra rất thuận lợi.
Dự báo giá gạo trên thị trường xuất khẩu có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhu cầu tăng, nguồn cung giảm sút bởi ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước tiếp tục tăng cao.
Tại hội thảo quốc tế Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo vừa diễn ra tại tỉnh Hậu Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhận xét, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Hiện Việt Nam giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. Những thành tựu nổi bật trong ngành lúa gạo không thể thiếu vắng sự đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, về giống lúa, Việt Nam đã làm chủ công nghệ và chọn tạo được bộ giống lúa rất đa dạng, phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu cụ thể như: bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; giống lúa chịu phèn, mặn thích ứng với biến đổi khí hậu; giống lúa năng suất cao phục vụ chế biến...
Về quy trình thâm canh, các kỹ thuật tiên tiến, quy trình canh tác lúa tổng hợp đã được phát triển khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Việt Nam cũng đã nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu để giảm tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch.
* Ứng dụng công nghệ gắn với kinh tế tuần hoàn
Để phát triển ngành hàng lúa gạo đạt giá trị gia tăng cao, bền vững, phát thải thấp thì việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo là giải pháp quan trọng.
Theo GS-TS NGUYỄN HỒNG SƠN, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), hạt gạo Việt Nam đã tiến bước rất nhanh trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, phát triển cây lúa hiện đứng trước nhiều khó khăn như: không chỉ phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà phải thích ứng với những yêu cầu về giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn…
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, lúa là một trong những cây trồng thuộc tốp đầu về ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Cụ thể, hiện 100% diện tích đất trồng lúa đã được sử dụng các loại máy móc, thiết bị từ khâu làm đất đến thu hoạch. Trong đó, các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất đang dần được nhân rộng. Tiêu biểu là nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Lê Thanh Tuấn, nông dân đầu tư làm dịch vụ cơ giới trong thu hoạch lúa ở xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước đây, sau thu hoạch nông dân thường đốt rơm ngay trên đồng, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Nhiều năm trở lại đây, nguồn rơm được tái sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng nấm rơm, sử dụng rơm phủ gốc cây để hạn chế cỏ vừa làm phân hữu cơ…
Theo ông Tuấn: “Tôi đầu tư máy cuộn rơm vừa làm dịch vụ gia công cuộn rơm cho nông dân, vừa mua nguồn rơm về trữ trong kho bán quanh năm. Nhu cầu của thị trường về sản phẩm rơm cuộn ngày càng cao”.
Cũng tại hội thảo quốc tế Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) Nguyễn Duy Thuận nhận xét, việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, giảm phát thải không những tăng cường xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đảm bảo sức khỏe cho người dân mà còn rất phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, các phụ phẩm từ sản xuất lúa chất lượng cao như rơm rạ, vỏ trấu có chất lượng tốt hơn so với mặt hàng thông thường. Chẳng hạn, rơm rạ từ lúa chất lượng cao sẽ còn tồn dư dinh dưỡng, rất thích hợp cho việc trồng nấm rơm. Vỏ trấu qua công nghệ xử lý hoàn toàn có thể thay thế cho gas tự nhiên. Nếu là phụ phẩm của lúa chất lượng cao, vỏ trấu qua chế biến thậm chí xuất khẩu được.