Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP góp phần hình thành tư duy sản xuất xanh, sạch, bền vững
ĐTO - Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP tại Hợp tác xã (HTX) Trường Phát, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười không chỉ giúp nông dân dần bỏ thói quen “đốt đồng” truyền thống mà còn góp phần hình thành nếp tư duy sản xuất xanh, sạch, bền vững.
Vụ hè thu năm 2023, HTX Trường Phát xây dựng mô hình phát triển đất trồng lúa, SRP và Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa năm 2023 với diện tích 225ha. Mô hình khuyến khích nông dân áp dụng một số biện pháp canh tác theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo tiêu chuẩn SRP giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời sử dụng công nghệ mới như: sạ lúa, bón phân, phun thuốc bằng máy bay không người lái... giảm bớt chi phí đầu vào, đảm bảo thu nhập trong sản xuất.
Ông Trần Văn Hội - Ấp 6B, xã Trường Xuân là một trong những hộ nông dân tham gia thí điểm chương trình sản xuất lúa gạo bền vững SRP. Qua 1 vụ canh tác giống OM18 trên diện tích 6ha, mô hình đem về lợi nhuận trên 30% so với cách trồng lúa truyền thống. Nhờ tuân thủ việc sạ thưa, bón phân cân đối nên hạn chế sâu hại, từ đó thu nhập tăng cao. Theo tính toán của ông Hội, trước đây, sau khi trừ tất cả chi phí, ông thu lãi khoảng 3 triệu đồng/công lúa, tuy nhiên với mô hình canh tác mới này, ông có thể thu lãi trên 4,2 triệu đồng/công lúa từ việc bán lúa, rơm rạ, bán đồng vịt và bán chứng chỉ carbon. “Áp dụng quy trình canh tác SRP, nông dân phải tuân thủ quy trình ghi chép sổ sách, bón phân thuốc đúng liều lượng, nhất là cam kết không được đốt đồng gây ô nhiễm môi trường. Về năng suất, vẫn tương đương canh tác lúa theo cách truyền thống, tuy nhiên nông dân được lợi thêm từ việc bán rơm, được Nhà nước hỗ trợ bán tín chỉ carbon và tiền bán đồng vịt. Như vậy từ các khoản lợi nhuận này, nông dân có thể thu thêm khoảng 1,2 triệu đồng/ha”, ông Hội cho biết.
Theo ông Huỳnh Thiện Liêm - thành viên Hội đồng quản trị HTX Trường Phát, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn SRP bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Theo đó, ngoài lợi ích về kinh tế khi nông dân có thêm các “huê lợi” từ đồng lúa như: bán rơm, bán đồng vịt, bán tính chỉ carbon (được hỗ trợ 300.000 đồng/ha) thì lợi ích quan trọng nhất đó là người dân không còn đốt rơm rạ như quy trình sản xuất truyền thống, từ đó giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, từ mô hình này sẽ là cơ sở để HTX thực hiện các mô hình sản xuất mới cũng như kêu gọi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đầu tư đầu ra ổn định cho thành viên. Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2024, HTX sẽ quy hoạch 800ha thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của Chính phủ. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức cho 18 hộ nông dân sản xuất 228ha lúa theo mô hình tưới tiêu nước xen kẽ, giảm phát khí thải nhà kính của Tổ chức Rikolto và đăng ký thực hiện mô hình phát triển đất trồng lúa cho khoảng 20 hộ dân với diện tích 100ha.
Ông Huỳnh Thiện Liêm kỳ vọng: “Nhằm thực hiện hiệu quả các mô hình, HTX cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn nhất là về tổ chức quy trình sản xuất hoàn chỉnh để nông dân thực hiện thủ tục đúng quy trình để tạo ra một sản phẩm chất lượng như định hướng đề án đặt ra”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, mô hình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP của HTX Trường Phát đã góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất cho nông dân từ tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Thông qua quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm lúa gạo được xuất khẩu với giá trị kinh tế cao, giúp tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, chương trình SRP còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giúp khẳng định giá trị và thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.