Sản xuất nông nghiệp: Chủ động thích nghi với tình hình mới
Đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các quốc gia, làm nền kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm. Do đó, từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, biến động. Tuy hiện nay Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, dự báo tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong đó sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.
Trước tình hình đó, nông dân, doanh nghiệp phải thận trọng tính toán hơn trong sản xuất để phù hợp với tình hình mới.
* Chưa hết khó khăn
Dự báo sau khi khống chế được dịch Covid-19, nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và quốc tế sẽ tăng cao. Bộ NN-PTNT đã đặt ra mục tiêu là phải khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất ngay trong tình hình dịch bệnh, tập trung cho 3 nhóm trọng tâm là lương thực, rau quả và chăn nuôi nhằm đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cung ứng vững chắc trong mọi hoàn cảnh đối với nhu cầu trong nước, sau đó là xuất khẩu.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trước những thay đổi, biến động của thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân, HTX phải chủ động thay đổi, điều chỉnh mùa vụ, sản lượng sản xuất; nhất là phải chấp hành mọi quy định sản xuất đã ký kết với doanh nghiệp bao tiêu; quan tâm thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản... Với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng phải tập trung mở rộng thêm các kênh tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, nỗ lực khai thác thêm thị trường mới giàu tiềm năng để hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường nông sản gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu. Thị trường liên tiếp xảy ra những đợt tồn hàng, rớt giá với nhiều mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu và gần đây nhất là mặt hàng gia cầm như: gà, vịt thịt...
Ông Hồ Ngọc Thành, người nuôi gà ta thả vườn ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) lo lắng, từ đầu năm đến nay, gà, vịt thường bán ra với giá thấp, có thời điểm giá vịt thịt, gà ta thả vườn đều bán dưới 30 ngàn đồng/kg, thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất. Giá thấp nhưng thương lái chỉ mua cầm chừng, thời gian bán kéo dài khiến người nuôi càng thua lỗ nặng. Dự báo, thời gian tới, thị trường tiêu thụ mặt hàng này sẽ chậm hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm nên nhiều hộ chăn nuôi gia cầm chỉ đầu tư cầm chừng trong vụ nuôi mới dù thị trường cuối năm, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt gia cầm thường cao hơn nhiều so với những tháng khác trong năm.
Cùng nỗi lo, ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương, xã Phú Túc (H.Định Quán) chia sẻ, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh thu của công ty trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 60% cùng kỳ năm ngoái. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường tiêu thụ có khởi sắc hơn nhưng cũng không thể bằng cùng kỳ mọi năm. “Doanh nghiệp mong tiếp cận được những chính sách hỗ trợ về thị trường, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để duy trì và khôi phục sản xuất trong khó khăn” - ông Sáng nói.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Mười, từ đầu năm đến nay, mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu đều bị trì trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện tình hình dịch bệnh tương đối ổn định ở trong nước nhưng trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu nông sản đi các nước vẫn chưa trở lại bình thường. Vì vậy, cần phải có sự thay đổi trong sản xuất. Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ tập trung cho thị trường xuất khẩu thì nay phải quan tâm đến mở rộng các kênh tiêu thụ trong nước. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng cho thị trường nội địa phải quan tâm đến mở thị trường xuất khẩu, nhất là thời gian gần đây hàng loạt các hiệp định thương mại được ký kết, là cơ hội tốt để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam.
* Khôi phục sản xuất sau dịch
Ông Nguyễn Văn Mười phân tích thêm, nông dân, HTX, doanh nghiệp trong ngành sản xuất nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ để khôi phục sản xuất trong khó khăn. Cụ thể, cơ quan nhà nước cần đưa ra quy hoạch, định hướng canh tác cho từng vùng để hạn chế rủi ro cung - cầu; các nhà khoa học cần vào cuộc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy trình; các đơn vị cung cấp các chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất cần có các giải pháp kỹ thuật để tối ưu hóa việc giám sát thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn đăng ký. Quan trọng nhất là nông dân, HTX, doanh nghiệp kết nối với nhau tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Ở đây, gốc của vấn đề vẫn là sản xuất ra nông sản chất lượng cao để thuyết phục được chính người tiêu dùng trong nước; sau đó là đáp ứng tốt những thị trường xuất khẩu khó tính. Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức “Sàn giao dịch nông sản farm360 - chuỗi liên kết giá trị” nhằm tăng cường kết nối giữa những doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ với HTX, nông dân để tạo kênh thông tin chuyển giao, hỗ trợ nông dân về các giải pháp công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ nông sản.
Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 của Việt Nam được kiểm soát, tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cũng dần khởi sắc. Hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây tươi như: chuối, xoài, thanh long... được khơi thông. Tuy nhiên, do Trung Quốc thực hiện những giải pháp siết chặt quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới nhằm kiểm soát dịch Covid-19 và ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào nội địa khiến hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch rất khó khăn.
Tính bài toán thị trường trong tình hình mới, ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, hiện hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều rào cản hơn trước, nhất là xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch siết chặt và dễ bị đóng cửa. Ông Đồng gợi ý: “Doanh nghiệp, HTX nên đầu tư để chuyển sang xuất khẩu vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch qua các cửa khẩu thông qua đường biển sẽ ít rủi ro hơn. Bên cạnh đó, HTX cũng nỗ lực tăng đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường Hàn Quốc, châu Âu vì các đơn hàng này ổn định và có giá cao hơn, giúp nông dân yên tâm sản xuất”.
Đưa ra giải pháp khôi phục sản xuất trong khó khăn, ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Ca cao Suối Cát (H.Xuân Lộc) cho hay, hiện HTX tự ủ hạt ca cao, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để có đầu ra ổn định. Hướng tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích cây ca cao, sản xuất kết hợp phát triển du lịch để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích đất. Chuẩn bị cho mục tiêu này, thời gian qua, xã viên của HTX quan tâm trồng hoa làm đẹp khuôn viên vườn, làm vườn mẫu thu hút khách đến tham quan, tự vào vườn hái trái, tham gia ủ hạt, làm bột ca cao, làm chocolate thủ công… Dịch vụ này có thể phát triển, thu hút khách quanh năm để tăng thu nhập cho nông dân.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 10 tháng của năm 2020, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Đồng Nai như: tiêu, điều, cà phê, cao su vẫn giữ được mức tăng trưởng dù thị trường xuất khẩu chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Cụ thể, xuất khẩu cà phê đạt gần 378 triệu USD, tăng gần 16,6% so cùng kỳ năm ngoái; hạt tiêu đạt hơn 33,4 triệu USD, tăng gần 6,3%; cao su đạt hơn 54,6 triệu USD, tăng gần 6%...