Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Còn lắm những gian nan

Xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đã và đang được áp dụng tại Công ty cổ phần Nấm Tốt Nameco. Tuy nhiên, hành trình đó còn nhiều gian nan.

Đa dạng các sản phẩm hữu cơ từ nấm

Sản xuất, chế biến hữu cơ hiện nay là xu hướng tất yếu với nền nông nghiệp. Song con đường để hiện thực hóa xu hướng đó còn không ít gập ghềnh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực tế, như tại Công ty cổ phần Nấm Tốt Nameco (nhãn hiệu Nấm Tốt) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mua bán, chế biến các sản phẩm nấm ăn, dược liệu, để sản phẩm hữu cơ ra tới thị trường, doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định.

Anh Mai Văn Hưng - Tổng giám đốc Nấm Tốt Nameco giới thiệu về quy trình làm nấm. Ảnh: Duy Khánh

Anh Mai Văn Hưng - Tổng giám đốc Nấm Tốt Nameco giới thiệu về quy trình làm nấm. Ảnh: Duy Khánh

Khởi nghiệp với mô hình trang trại nấm đầu tiên tại Yên Bài, Ba Vì (Hà Nội), hiện nay Nấm Tốt đã có các cơ sở tại Phú Thọ và Bắc Ninh với quy mô trang trại hơn 4000m2. Sản phẩm chính của Nấm Tốt là nấm hương, nấm sò hương, nấm sò nâu thái.

Anh Mai Văn Hưng, Tổng giám đốc của Nấm Tốt cho biết, trong những năm đầu thành lập, doanh nghiệp đã thành công trong việc nghiên cứu tự sản xuất, phân lập hơn 10 loại giống nấm. Từ đó chủ động được khâu sản xuất hơn 10 chủng giống nấm.

Trong giai đoạn hình thành và phát triển, Nấm Tốt đã áp dụng các công nghệ trồng nấm của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như đầu tư dây chuyền máy móc, chiết xuất dịch nấm.

Không chỉ có các sản phẩm là nấm tươi cung cấp ra thị trường, Nấm Tốt còn có các sản phẩm độc đáo như nấm khô, nấm chế biến , nước cốt lẩu nấm...

Sau 11 năm từ ngày bắt tay vào làm bạn với nấm, anh Hưng cho biết hiện doanh nghiệp có 15 dòng sản phẩm nấm tươi, khô và chế biến sâu.

Một số sản phẩm nấm của Nấm Tốt Nameco. Ảnh: Duy Khánh

Một số sản phẩm nấm của Nấm Tốt Nameco. Ảnh: Duy Khánh

Kết quả kinh doanh của công ty cũng rất khích lệ khi từ mốc 300 triệu đồng năm 2014 đã vọt lên 15 tỷ đồng vào năm 2024.

Sản phẩm của Nấm Tốt hiện đã vào các nhà hàng nổi tiếng, các siêu thị và cơ sở Phật Giáo. Có thể kể tới như: Dalat Mart, Trâu Vàng, Linh Mart, Đức Thành Mart, Clever Food, Kyo Food, Vita market, Làng Việt Mart, 365 Mart... và hệ thống các nhà hàng chay; chùa Khai Nguyên, chùa Yên Đức...

Được biết, công ty đã được cấp chứng nhận nuôi trồng và phân phối các sản phẩm nấm hữu cơ theo quy trình hữu cơ Việt Nam vào năm 2020. Trước đó, doanh nghiệp sản xuất theo hướng VIETGAP.

TSKH. Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (phải) với sản phẩm nấm của Nấm Tốt Nameco. Ảnh: Duy Khánh

TSKH. Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (phải) với sản phẩm nấm của Nấm Tốt Nameco. Ảnh: Duy Khánh

Vẫn còn đó những gian nan

Dẫu đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên theo chia sẻ của Tổng giám đốc Mai Văn Hưng, doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất sản phẩm hữu cơ cũng như phát triển nông nghiệp sạch, kinh tế tuần hoàn.

Giới thiệu với phóng viên về quy trình sản xuất nấm hữu cơ, anh Mai Văn Hưng cho biết, lợi thế của Nấm Tốt là nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ). Đây là khu vực trồng nhiều keo bồ đề, là đầu vào cho nguyên liệu làm nấm. Nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành rẻ với chất lượng tốt là cơ sở để công ty có thể sản xuất mà không lo về nguồn cung.

Anh Mai Văn Hưng với sản phẩm nấm hữu cơ. Ảnh: Duy Khánh

Anh Mai Văn Hưng với sản phẩm nấm hữu cơ. Ảnh: Duy Khánh

Cạnh đó, thị trường nấm của Việt Nam cũng còn rất rộng. Đặc biệt, với các sản phẩm hữu cơ, nhu cầu tiêu dùng hiện nay của người dân là rất cao do lợi ích mang lại cho sức khỏe cũng như hương vị thơm ngon.

Dẫu vậy, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và sản phẩm nấm hữu cơ nói riêng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Cơ hội là vậy, nhưng theo anh Hưng, cái khó của doanh nghiệp nhỏ như Nấm Tốt là nguồn vốn. Hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có nhiều chính sách, gói vay ưu đã dành cho nông nghiệp xanh, sạch và bền vững. Tuy nhiên, để tiếp cận được các gói vay này là điều còn tương đối khó đối với các doanh nghiệp như Nấm Tốt Nameco.

Nguyên nhân là do tài sản bảo đảm - rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp thường không có tài sản hữu hình, chỉ tạo ra dòng tiền tương lai nên khó được chấp nhận làm tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng truyền thống.

Ngoài ra, đối với vấn đề chủ quan, cơ sở vật chất chưa đồng bộ hiện đại, chi phi năng lượng còn cao cũng là thách thức với doanh nghiệp.

Một vấn đề khác với những doanh nghiệp sản xuất hữu cơ như Nameco, đó là giá thành. Sản phẩm hữu cơ thì chắc chắn giá thành sẽ phải cao hơn so với các sản phẩm thông thường. Đặc biệt, với nấm thời gian bảo quản lại ngắn so với các sản phẩm nấm nhập khẩu và kiến thức về nấm sạch của người dân và các nhà tiêu thụ sản phẩm còn yếu và thiếu dẫn tới khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, mặc dù hệ thống chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam bước đầu được hình thành để từng bước chuyển đổi nhận thức và điều chỉnh tổ chức sản xuất nhưng còn phân tán ở nhiều văn bản khác nhau và chưa đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh và thiếu các cơ chế đặc thù để hiện thực hóa chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất hữu cơ.

Theo các chuyên gia, để các sản phẩm hữu cơ như Nấm Tốt chiếm lĩnh thị trường, mang lại giá trị cao hơn cho sản phẩm ngoài việc doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, đầu tư công nghệ và chế biến sâu, còn cần hoàn thiện chuỗi nông sản hữu cơ; hoàn thiện chính sách liên quan đến khuyến nông cộng đồng, mô hình, thị trường. Như vậy, việc sản xuất nông sản hữu cơ ở Việt Nam mới bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: Duy Khánh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/san-xuat-nong-nghiep-huu-co-con-lam-nhung-gian-nan-98716.html