Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - xu hướng tất yếu

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là biện pháp canh tác tự nhiên có kiểm soát, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất. Không những thế, sản xuất hữu cơ còn đặc biệt coi trọng bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, duy trì và nâng cao sức khỏe của con người trong tất cả các khâu từ canh tác, chế biến, phân phối đến tiêu dùng. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Lào Cai.

Sản phẩm quế Nậm Đét (Bắc Hà) tăng giá trị gấp nhiều lần khi được cấp chứng chỉ hữu cơ.

Sản phẩm quế Nậm Đét (Bắc Hà) tăng giá trị gấp nhiều lần khi được cấp chứng chỉ hữu cơ.

Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh rất lớn. Để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời hỗ trợ các chủ trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp từng bước thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ.

Ông Nguyễn Mạnh Thành, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Khi kinh tế ngày càng phát triển thì nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng cao, kiểm soát được nguồn gốc là xu hướng tất yếu. Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện quy trình sản xuất an toàn và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Xã Bản Liền (Bắc Hà) là vùng sản xuất chè hữu cơ lớn nhất tỉnh với hơn 400 ha. Toàn bộ diện tích chè được trồng bằng hạt giống gốc, cách làm này giúp cây chè khai thác được nhiều năm, hạn chế sâu, bệnh hại. Chè hữu cơ của Hợp tác xã chè Bản Liền không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ. Nông dân sử dụng chất thải chăn nuôi ủ hoai mục làm phân bón để tạo dinh dưỡng cho đất, đồng thời sử dụng phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại như các dung dịch chiết xuất từ cây xanh hoặc trực tiếp bắt sâu, cắt tỉa những cành có sâu hại ăn...

Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền cho biết: Sản phẩm chè hữu cơ của hợp tác xã trải qua quy trình kiểm định và chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ của tổ chức ATC (tổ chức chứng nhận hữu cơ của Thái Lan). Trung bình mỗi năm, tổ chức này sẽ đánh giá và cấp xác nhận hữu cơ 1 lần hoặc nếu có nghi ngờ thì sẽ đánh giá 2 lần. Trong hơn 10 năm sản xuất chè hữu cơ, đơn vị chưa có lô hàng xuất khẩu nào bị đối tác từ chối vì không đảm bảo chất lượng. Sản lượng chè búp tươi của đơn vị đạt hơn 250 tấn, tương đương 50 tấn chè búp khô/năm. Toàn bộ sản phẩm được xuất trực tiếp sang Pháp và các nước châu Âu với giá bán trung bình từ 450 đến 500 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều lần so với chè sản xuất thông thường.

Còn tại xã Nậm Đét (Bắc Hà), nơi được coi là “thủ phủ” của cây quế, nhờ được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế mà sản phẩm quế của địa phương được xuất sang thị trường Mỹ và EU với giá bán cao hơn nhiều lần so với các thị trường khác. Xã hiện có 500 ha/1.900 ha quế đã được cấp chứng chỉ quế hữu cơ, đó là nhờ sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Techvina. Chính quyền và người dân địa phương mong muốn diện tích quế còn lại được cấp chứng nhận hữu cơ để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, canh tác nông nghiệp hữu cơ vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi hiện nay, nước ta chưa có văn bản, quy định mang tính pháp lý về quy trình sản xuất này. Do vậy, các mô hình sản xuất nông nghiệp đang thực hiện vẫn chỉ làm và học theo quy chuẩn của các chứng nhận hữu cơ quốc tế.

Ông Nguyễn Mạnh Thành, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhấn mạnh: Để làm nông nghiệp hữu cơ thì vai trò của đơn vị, tổ chức chứng nhận rất quan trọng, điều này đảm bảo chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Hiện tại, doanh nghiệp sản xuất vẫn phải phụ thuộc vào chứng nhận tiêu chuẩn Liên đoàn Quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất hữu cơ phức tạp cũng là trở ngại với người nông dân vì đòi hỏi phải chọn vùng sản xuất phù hợp, theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, đất phải sạch và rộng đủ để cách ly với những quy trình sản xuất nông nghiệp thông thường.

Để sản xuất hữu cơ trở thành xu hướng và ngày càng phát triển rộng rãi trong thời gian tới, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người nông dân để thay đổi thói quen sản xuất theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-huu-co-xu-huong-tat-yeu-z3n20191012092842877.htm