Sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường
ĐBP - Những năm qua, việc tích cực chuyển đổi cơ cấu, phương thức sản xuất với cách nghĩ, cách làm mới của nông dân và sự đầu tư, hợp tác sản xuất của doanh nghiệp đã từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu.
Nông dân đội 3, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) chăm sóc rau màu.
Sản xuất theo thị trường
Vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên có nhiều lợi thế để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Với hơn 6.000ha đất sản xuất lúa và trên 2.400ha hoa màu, nguồn nước và kinh nghiệm sản xuất của người dân, nhiều năm nay các xã trong khu vực đã có quy hoạch sản xuất hợp lý, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng. Nông dân trên địa bàn đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao như: Trồng rau quả an toàn; chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăn nuôi thủy sản quy mô trang trại, gia trại... để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng các chuỗi sản xuất hàng hóa an toàn thực phẩm như: Lúa gạo đặc sản; rau, củ, quả an toàn...
Là một trong những sản phẩm lúa gạo điển hình trên cánh đồng Mường Thanh, sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên bước đầu thành công trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sau gần 5 năm phát triển, sản phẩm gạo Tâm Sáng được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, các tỉnh lân cận và nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường. Gạo đảm bảo 100% các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được đóng gói với nhãn mác, bao bì, mã vạch quy chuẩn.
Tương tự, Công ty TNHH thực phẩm Safe Green đã thành công với việc sản xuất đa dạng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, vừa phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương. Hiện nay Công ty sản xuất trên 50 loại rau, quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có một cửa hàng liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch với bà con nông dân một số xã, huyện trên toàn tỉnh. Sản phẩm của chuỗi liên kết bao gồm các loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; gạo Ðiện Biên, bánh khẩu xén thị xã Mường Lay.
Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Safe Green cho biết: Các sản phẩm Công ty tiêu thụ trên thị trường là sản phẩm liên kết với bà con nông dân sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc nên tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Bên cạnh ưu tiên chất lượng sản phẩm thì việc liên kết, định hướng sản xuất cho bà con nông dân theo nhu cầu thị trường là điều quan trọng, quyết định mức tiêu thụ. Các sản phẩm liên kết được trồng và thu hái theo quy trình chặt chẽ, được kiểm định chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm nên có lượng tiêu thụ ổn định và đều được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng.
Những năm gần đây, sản phẩm bánh khẩu xén của bà con dân tộc Thái TX. Mường Lay được quảng bá và bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều người yêu thích.
Chị Lò Thị Giang, bản Chi Luông, phường Na Lay (TX. Mường Lay) cho biết: Từ một loại bánh truyền thống làm từ gạo và sắn, có hương vị thơm ngon dùng trong gia đình, được hỗ trợ bởi các chính sách kịp thời, người dân Mường Lay đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Hiện nay, người dân xã Lay Nưa đã thành lập được HTX sản xuất bánh khẩu xén. HTX liên kết sản xuất với người dân và đóng vai trò quan trọng tiêu thụ sản phẩm truyền thống độc đáo của địa phương. Hiện nay bánh khẩu xén được tiêu thụ quanh năm, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân.
Cần giải pháp bền vững
Những kết quả của Công ty TNHH thực phẩm Safe Green Ðiện Biên hay HTX sản xuất bánh khẩu xén TX. Mường Lay đã khẳng định hiệu quả của việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ðây cũng là hướng đi bền vững trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Do trình độ sản xuất ở các khu vực trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đồng đều; các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ yếu phát triển ở các địa bàn vùng thấp. Tại các huyện vùng cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng chưa khẳng định chỗ đứng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa bàn, khu vực để phát triển sản phẩm hàng hóa tập trung. Quá trình xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chính quyền các cấp, ngành chức năng phải nắm bắt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp lợi thế. Ðồng thời, có chính sách hỗ trợ các loại cây, con giống chất lượng cao và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân.