Sản xuất rau an toàn - hướng đi đúng của nông nghiệp đô thị
Trước báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân đô thị ngày càng có xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình, nhất là các loại rau xanh. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều tổ chức, cá nhân ở khu vực đô thị của tỉnh đã mạnh dạn đầu tư sản xuất rau an toàn. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn không chỉ cung ứng cho thị trường nguồn thực phẩm chất lượng, mà còn mở ra một hướng đi bền vững cho nông nghiệp đô thị của tỉnh.
Hiệu quả bước đầu
Nằm sát trung tâm thành phố Phúc Yên, phường Tiền Châu được biết đến là nơi phát triển mạnh về sản xuất rau màu. Tuy nhiên, trước đây, người dân chủ yếu sản xuất theo hướng tự phát, manh mún, canh tác truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng.
Đến năm 2017, được sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nông dân nơi đây đã dần chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn. Từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người dân, đến nay, trên địa bàn phường đã hình thành 3 mô hình HTX sản xuất rau an toàn hoạt động hiệu quả.
HTX Nông nghiệp Thành Công được thành lập vào đầu năm 2020, với 7 thành viên đều là các hộ có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất rau của phường Tiền Châu.
Nói về ý tưởng thành lập HTX Nông nghiệp Thành Công, ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc HTX cho biết: "Sau nhiều năm sản xuất rau, tôi luôn mong muốn xây dựng được một thương hiệu nông sản an toàn để cung ứng sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.
Không ngờ, khi chia sẻ nguyện vọng này với các hộ dân khác ở địa phương, họ cũng ấp ủ suy nghĩ tương tự. Vì thế, chúng tôi đã cùng bàn bạc thành lập HTX để tìm hiểu, tiếp cận quy trình sản xuất rau an toàn và hướng tới xây dựng thương hiệu rau muống Tiền Châu".
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay, HTX đã thu hút được hơn 20 thành viên tham gia, với tổng diện tích đất canh tác gần 9ha. Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất an toàn, sản phẩm rau muống của HTX thu hoạch đều có mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Hiện, sản phẩm của HTX đang được cung ứng ra thị trường, với giá bán từ 5 - 6 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 20 - 30% so với rau muống canh tác theo phương thức trước đây.
Xác định việc phát triển sản xuất rau an toàn là hướng đi hiệu quả và bền vững cho nông nghiệp đô thị, thành phố Phúc Yên đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn.
Trong đó, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được với những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Rà soát diện tích đất canh tác, quy hoạch các vùng sản xuất và tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn; mở các lớp tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn cho người dân; thường xuyên cử cán bộ bám sát đồng ruộng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về kỹ thuật, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ghi chép nhật ký theo đúng quy trình.
Không chỉ riêng thành phố Phúc Yên, nhiều cấp ủy, chính quyền các đô thị của tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT), đến nay, tổng diện tích gieo trồng rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.900 ha. Sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt trên 45 nghìn tấn/năm, chiếm hơn 25% tổng sản lượng rau sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tìm hướng đi, giải pháp
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song, việc phát triển rau an toàn ở khu vực đô thị của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Phòng Kinh tế thành phố Phúc Yên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn do diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Trong khi đó, nông dân vẫn có thói quen sản xuất nhỏ lẻ, với tập quán canh tác truyền thống; giá bán rau an toàn và không an toàn chênh lệch không nhiều, do chưa xây dựng được thương hiệu; nhiều sản phẩm rau an toàn chưa tìm được chỗ đứng trong các siêu thị và bếp ăn tập thể…
Để khắc phục khó khăn, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn, cấp ủy, chính quyền các đô thị của tỉnh tiếp tục rà soát diện tích đất nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm rau an toàn cũng như đầu tư vào sản xuất rau an toàn.
Chủ động xây dựng mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các hội viên nông dân, giữa hội viên nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà phân phối để sản xuất, kinh doanh rau an toàn hiệu quả, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.
Tăng cường cung cấp, đăng tải thông tin, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương trên các phương tiện truyền thông; chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm rau an toàn của địa phương.
Đồng thời, tích cực khuyến khích các doanh nghiệp, HTX phát triển hạ tầng các vùng sản xuất rau an toàn tập trung; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất rau an toàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho bà con nông dân.