Sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn: Hướng đi tất yếu của ngành mía đường
Các doanh nghiệp mía đường như Sơn La và Lam Sơn đang tiên phong thực hiện mô hình sản xuất tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm để giảm chi phí, bảo vệ môi trường.
Biến phụ phẩm thành nguồn lực
Tại Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, sản xuất sạch không còn là khẩu hiệu, mà đã trở thành một phần trong chiến lược phát triển bền vững. Bằng cách tích hợp công nghệ và chuỗi liên kết nông dân - doanh nghiệp, đơn vị này đã tối ưu hóa quy trình sản xuất mía đường theo hướng tuần hoàn, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải tại Mía đường Sơn La. Ảnh: BSL
Ngay từ khâu ép mía, toàn bộ bã mía được thu gom và vận chuyển qua hệ thống băng tải để làm nhiên liệu đốt cho lò hơi, cấp hơi cho máy phát điện công suất 9 MW.
Với khoảng 120.000 tấn bã mía mỗi vụ, công ty sản xuất trung bình khoảng 17.000 MW điện mỗi năm, đủ cấp cho toàn bộ dây chuyền sản xuất và còn dư gần 2 MW đang hoàn tất thủ tục hòa lưới điện quốc gia.
Phần bã mía dư thừa được bán cho các đơn vị sản xuất viên nén xuất khẩu và các hợp tác xã sản xuất phân bón hữu cơ tại địa phương.Không chỉ bã mía, các sản phẩm phụ khác như bã bùn, tro từ lò đốt cũng được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Nước bùn sau khi lắng được xử lý bằng công nghệ lọc chân không, thu hồi khoảng 20.000 tấn bùn/năm để phối trộn sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Một xưởng chuyên sản xuất phân hữu cơ công suất 10.000 tấn/năm đã được xây dựng, chủ yếu cung cấp cho vùng nguyên liệu trồng mía và mở rộng cho các cây trồng khác.
Về môi trường, công ty đã đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải có tổng công suất 2.900 m³/ngày, đêm, đảm bảo nước thải đạt chuẩn quốc gia trước khi tái sử dụng. Ngoài ra, hệ thống quan trắc khí thải tự động và camera giám sát đã được lắp đặt, kết nối trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, bảo đảm minh bạch và liên tục giám sát hoạt động xả thải.
Hành trình bền vững của Lasuco.
Ở quy mô lớn hơn, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đang thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn toàn diện trong sản xuất đường, điện và phân bón.
Tại đây, bã mía sau sản xuất được đưa vào các lò hơi để đốt, tạo hơi phục vụ phát điện nội bộ. Tro sau khi đốt tiếp tục được sử dụng làm phân bón, quay lại vùng nguyên liệu, khép kín vòng đời sản phẩm.

Tại Lasuco, dự án đồng phát điện đã giúp công ty tiết kiệm năng lượng, biến nguồn thải thành nhiên liệu. Ảnh: Lasuco
Ông Lê Văn Tân – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lasuco - chia sẻ: Dự án đồng phát nhiệt điện CDM của chúng tôi đã giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như than, dầu.
“Đặc biệt, toàn bộ điện tái tạo từ bã mía và sinh khối khác (biomass) đã được ký hợp đồng bán cho EVN, mang lại lợi ích kép về môi trường và tài chính. Nhờ mô hình này, công ty vừa giảm được chi phí điện năng sản xuất, vừa hạn chế tác động tiêu cực do ô nhiễm khí thải và rác thải rắn”, ông Lê Văn Tân cho biết.
Trong năm 2023 và 2024, Lasuco đã tái sử dụng gần 100% bã mía và tro bùn để làm chất đốt và phân bón. Nguồn nước sản xuất khoảng 600.000 m³ được lấy từ hệ thống sông Chu và 60 – 70% lượng nước thải sau xử lý đạt chuẩn được tái sử dụng để làm mát hoặc tưới tiêu nông nghiệp. Có thể khẳng định, với nhiều hoạt động sử dụng năng lượng tái tạo và tiết giảm khí nhà kính, Lasuco thuộc nhóm doanh nghiệp trọng điểm bắt buộc kiểm kê phát thải.
Hiện công ty đã khởi động lộ trình lập báo cáo phát thải hàng năm, tiến tới đạt mục tiêu trung hòa carbon (zero-carbon), tạo thuận lợi khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.