Sản xuất sản phẩm OCOP từ cây trồng ngắn ngày
Thời gian qua, nhiều sản phẩm từ cây trồng ngắn ngày được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), như: Gạo chất lượng Bắc thơm số 7, đậu cove, hành dọc, mùng tơi, rau ngót… Tuy nhiên, một số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm từ cây trồng ngắn ngày được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), như: Gạo chất lượng Bắc thơm số 7, đậu cove, hành dọc, mùng tơi, rau ngót… Tuy nhiên, một số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP chưa thực sự phát huy hiệu quả.
HTX Rau hữu cơ Phù Vân (thành phố Phủ Lý) có diện tích sản xuất gần 3 ha, trong đó 5.000 m2 đạt tiêu chuẩn hữu cơ, còn lại là an toàn. Thời gian qua, có 4 sản phẩm cây trồng ngắn ngày của HTX được công nhận OCOP, xếp hạng 3 sao, gồm: Rau mùng tơi, rau cải, rau ngót và rau muống. Trong đó, sản phẩm rau mùng tơi và rau cải được công nhận OCOP từ năm 2021. Những sản phẩm của HTX sau khi được công nhận OCOP vẫn chỉ duy trì được diện tích sản xuất trong HTX như trước đây và đa phần bán cho một số cửa hàng nông sản sạch và người tiêu dùng nhỏ lẻ tại thành phố Phủ Lý; phần lớn chưa sử dụng dán tem nhãn OCOP cho sản phẩm. Giá bán các sản phẩm OCOP tuy có tăng so với rau an toàn, hữu cơ trước đây, nhưng chủ yếu dựa vào thời điểm và nhu cầu thị trường. Do là sản phẩm trồng trọt ngắn ngày, tươi sống nên chỉ cung cấp được theo mùa vụ chính là chủ yếu.
Bà Nguyễn Thị Thú, Giám đốc HTX Rau hữu cơ Phù Vân chia sẻ: Các sản phẩm OCOP của HTX mới chỉ phát huy hiệu quả được một phần, bảo đảm duy trì và ổn định sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn cung theo mùa vụ, số lượng chưa nhiều và chủ yếu bán ra thị trường tự do nên chưa thực sự phát huy được thương hiệu sản phẩm OCOP…
Rau mùng tơi của HTX rau hữu cơ Phù Vân được công nhận OCOP. Ảnh: Thành Nam
Với các sản phẩm OCOP từ cây trồng ngắn ngày của các địa phương, cơ sở sản xuất khác cũng trong tình trạng khó phát huy hiệu quả. Các sản phẩm đậu cove, hành dọc được công nhận OCOP của HTX Nông sản Cát Lại (xã Bình Nghĩa - Bình Lục) cũng chỉ duy trì được diện tích như trước đây và cơ bản cung cấp ra thị trường tự do. Giá bán sản phẩm OCOP cũng lên, xuống theo giá thị trường như các sản phẩm thông thường khác. Đơn cử như đầu năm 2022, giá bán hành dọc chung và sản phẩm hành dọc OCOP đều lên cao đến 50 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay hiện đang chỉ bán với giá dưới 10 nghìn đồng/kg cho các thương lái về thu mua.
Những năm vừa qua, sản phẩm hành dọc chỉ có số lượng ít đưa vào chuỗi siêu thị, cửa hàng được dán tem OCOP, còn lại người dân bán ngoài thị trường tự do. Hay sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 đạt OCOP của Công ty TNHH Lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Nghĩa - Bình Lục) cũng mới chỉ dừng lại ở mức được công nhận. Trong quá trình kinh doanh, do doanh nghiệp chủ yếu bán buôn sản phẩm theo bao lớn nên cũng không thể dán tem nhãn OCOP. Giá bán sản phẩm gạo OCOP vẫn theo giá chung của thị trường…
Nhìn nhận về hiệu quả các sản phẩm OCOP từ cây trồng ngắn ngày, ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Các sản phẩm OCOP từ cây trồng ngắn ngày đều có tính đại trà. Cùng với đó, việc tiêu thụ vẫn chủ yếu dựa vào thị trường tự do. Vì thế, khó phát huy giá trị, hiệu quả so với sản phẩm thông thường…
Thực tế, các sản phẩm từ trồng trọt nói chung được công nhận OCOP chủ yếu mang tính đặc trưng, đặc sản đã phát huy khá tốt hiệu quả. Điển hình, như sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng được công nhận OCOP năm 2020 của hộ ông Trần Huy Kỳ (xã Hòa Hậu - Lý Nhân) đã được nâng tầm đưa vào hệ thống các cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng của nhiều tỉnh, thành phố. Sản lượng tiêu thụ hàng năm tăng đáng kể so với trước đây. Với các sản phẩm nho mẫu đơn, nho hạ đen, thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du (Bình Lục) đã có bước tiến đáng kể sau khi được công nhận OCOP. Theo đó, thị trường các sản phẩm của HTX được mở rộng, giá bán tăng 10% - 20%. Hay sản phẩm bưởi OCOP của xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên), Chính Lý (Lý Nhân) đã nâng cao hơn giá trị và nhiều người tiêu dùng biết đến...
Được biết, từ thực tế hiệu quả của các sản phẩm OCOP, tới đây việc đánh giá, xét, công nhận sẽ chặt chẽ hơn theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm”. Trong đó, chú trọng đến các sản phẩm chế biến, sản phẩm đặc thù, đặc trưng của địa phương, vùng miền. Như vậy, các sản phẩm từ cây trồng ngắn ngày rất khó đạt OCOP. Cũng theo ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Tới đây, những sản phẩm từ cây trồng ngắn ngày hạn chế tối đa xét công nhận OCOP. Việc sản xuất các loại sản phẩm này được tập trung theo hướng an toàn, Viet GAP, hữu cơ…