Sản xuất, sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho thủy sản nước ngọt
Chiều 17/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện dự án KHCN cấp tỉnh 'Sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen (Hermetia illucens Linnaeus, 1758) làm thức ăn cho một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế tại Thừa Thiên Huế' do Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế chủ trì thực hiện.
Dự án được thực hiện nhằm sản xuất nguyên liệu bột ấu trùng ruồi lính đen để thay thế một phần nguyên liệu từ bột cá làm thức ăn trong nuôi một số đối tượng thủy sản nước ngọt, như: Cá rô đầu vuông, ếch Thái Lan, cá lóc. Qua đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường gây ra bởi chất thải chăn nuôi và phụ phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp.
Theo đơn đặt hàng, dự án tập trung thực hiện các nội dụng chính: xây dựng quy trình nuôi ruồi lính đen từ các phụ phế phẩm nông nghiệp ở quy mô nông hộ; hoàn thiện quy trình nuôi ếch Thái Lan, cá rô đầu vuông, cá lóc bằng thức ăn ấu trùng ruồi lính đen; xây dựng mô hình nuôi ếch Thái Lan, cá rô đầu vuông, cá lóc bằng thức ăn sản xuất từ nguyên liệu ấu trùng ruồi lính đen.
Qua 2 năm thực hiện, các nội dung dự án cho thấy, có 11 loại phụ phế phẩm nông nghiệp có thể sử dụng để nuôi ruồi lính đen, chưa thấy ruồi lính đen phát tán ra ngoài tự nhiên ở khu vực thực hiện dự án, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Có thể sử dụng trực tiếp ấu trùng ruồi lính đen kết hợp với thức ăn công nghiệp; thay thế bột cá bằng bột ấu trùng ruồi lính đen ở mức thấp hơn hoặc bằng 30%; chất lượng thịt của cá không bị ảnh hưởng khi cho ăn thức ăn ấu trùng ruồi lính đen. Tỷ lệ sống qua các mô hình nuôi thương phẩm 3 đối tượng thủy sản nước ngọt: Ếch Thái Lan, cá rô đầu vuông, cá lóc được thử nghiệm đạt từ 70% đến 85%, cho năng suất, lợi nhuận cao.
Nhóm thực hiện dự án cũng kiến nghị người dân có thể sử dụng các quy trình nuôi ruồi lính đen đã được ban hành bởi Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế; nên kết hợp 50% ấu trùng ruồi lính đen tươi và 50% thức ăn công nghiệp làm thức ăn cho đối tượng nuôi; nên thay thế đến 30% protein bột cá bằng protein bột ấu trùng ruồi lính đen nuôi cá lóc và cá rô đầu vuông và 40% nuôi ếch Thái Lan.