Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: Nhiều nông dân thu về tiền tỷ
Nếu như vài năm trước, nhiều đồng bào trồng cây ăn quả ở Sơn La không quan tâm, thậm chí không biết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là gì, thì giờ đây, nhìn những hộ có thu nhập tăng gấp vài ba lần nhờ áp dụng VietGAP, ý thức của người dân đối với quy trình sản xuất này đã tăng rõ rệt.
Mấy năm trở lại đây, nhu cầu về nông sản đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng tăng cao. Để đáp ứng được nhu cầu này của người tiêu dùng, tỉnh Sơn La đã và đang đặc biệt quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu.
Theo đó, hằng năm, hệ thống khuyến nông tỉnh Sơn La đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo hướng bền vững và an toàn sinh học. Năm 2013, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 3067/QĐ- UBND quy định một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Đến nay, hệ thống khuyến nông tỉnh Sơn La đã triển khai xây dựng nhiều mô hình khuyến nông, như: Mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn, mô hình trồng và thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Thuận Châu, Mộc Châu, Bắc Yên; mô hình trồng và thâm canh cay ăn quả theo hướng VietGAP tại Mai Sơn, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu; mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã; mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót lên men; mô hình chăn nuôi gà, vịt an toàn sinh học, hỗ trợ hơn 20 HTX, doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP sản xuất, cung ứng rau, quả, thịt an toàn... Tiểu biểu có thể kể đến: Mô hình sản xuất rau an toàn ở bản Tự Nhiên, xã Đông Sang và bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu); HTX Ngọc Lan xã Hát Lót, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn) trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP...
Với việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân ở Sơn La đã có thể thu lãi trên 200 - 300 triệu đồng/héc-ta/ năm, cá biệt có những héc-ta trồng xoài, na cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Sản phẩm rau, củ, quả của Sơn La không chỉ tiêu thụ tốt tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống bán lẻ mà còn có mặt tại hệ thống doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có thị trường tiêu thụ lớn, có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến nông sản như: TH, Vinmart, VinEco, Happro, BigC, Lotte, Aeon… Ba năm trở lại đây, nhiều vùng trồng cây ăn quả của Sơn La còn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm sang Úc, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN…
Ông Lê Xuân Hòa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn - một trong những người đi đầu trong việc ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP - cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vừa cho sản phẩm ngon, sạch, vừa an toàn với môi trường và người lao động. Đặc biệt là có thể truy xuất được nguồn gốc để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó sản phẩm có sức tiêu thụ lớn hơn, với giá cao gấp 2 - 3 lần. Vậy thì có lý do gì để không thực hiện theo quy trình này?
Cũng theo ông Hòa, bên cạnh việc gia tăng về giá trị hàng hóa, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Nhiều người nông dân đã hiểu được hiệu quả của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thay vì làm ồ ạt, chất lượng thấp, nhiều hộ gia đình đã biết chăm sóc để cây cho trái với sản lượng vừa phải nhưng có chất lượng cao vượt trội. Nhờ đó, cũng một công chăm sóc, thu hoạch, nhưng lại có thu nhập cao gấp 2 - 3 lần.
Câu chuyện về những nông dân có thu nhập vài ba trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang cho thấy bước phát triển đột phá của nông nghiệp sau khi ứng dụng KHCN. Tuy nhiên, để sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP không chỉ dừng lại ở một số ít các cá nhân, hay HTX… cần có sự tuyên truyền tích cực, thường xuyên để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất về các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Có như vậy, những mô hình sản xuất hiệu quả, chất lượng và an toàn mới có cơ hội được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân – trong đó có đông đảo đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi.