Sản xuất thích ứng với thời tiết
Mùa khô năm nay tuy không gay gắt như năm 2020 nhưng vẫn xuất hiện các đợt nắng nóng cục bộ, khô hạn xảy ra nhiều nơi, nhất là vùng đồi núi, gò cao. Khi mùa mưa đến, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là vụ hè thu 2021.
Thách thức nguồn nước
Theo ghi nhận của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, tổng lượng mưa tháng 1 và tháng 2-2021 hầu hết thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 4,9-21,8mm. Trong 3 tháng đầu mùa khô 2020-2021 (từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021), nhiệt độ trung bình đều ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 0,2-0,5oC.
Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long (xã Khánh An (An Phú), TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc) và vùng hạ lưu sông (Chợ Mới, Vàm Nao (Phú Tân), TP. Long Xuyên), mực nước cao nhất từ tháng 11-2020 đến tháng 2-2021 đều ở mức xấp xỉ cao hơn cùng kỳ năm 2019-2020 từ 0,05-1,53m. Tuy nhiên, mực nước thấp nhất đều ở mức thấp hơn TBNN từ 0,7-1,55m. Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), mực nước cao nhất tháng 11-2020 đến tháng 2-2021 ở mức cao hơn từ 0,05-0,5m so cùng kỳ năm 2019-2020; mực nước thấp nhất cao hơn cùng kỳ từ 0,1-0,4m nhưng thấp hơn TBNN từ 0,1-1,1m.
Cần chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, xâm nhập mặn vùng cửa sông thuộc tỉnh Kiên Giang trong mùa khô 2020-2021 diễn ra muộn hơn mùa khô năm 2019-2020 khoảng 15 ngày, độ mặn ở mức thấp hơn mùa khô 2019-2020 nhưng cao hơn TBNN. Xâm nhập mặn có xu thế tăng cao từ những ngày cuối tháng 1-2021 và các thời kỳ triều cường trong tháng 2 đến nay. Trên kênh Cái Sắn, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu 5km và độ mặn 1‰ xâm nhập sâu 11km (gần hết địa phận xã Mông Thọ, huyện Châu Thành, Kiên Giang). Trên kênh Tròn, độ mặn 4‰ xâm nhập đến đầu kênh và độ mặn 1‰ có xâm nhập sâu 8km (hết xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, Kiên Giang).
Độ mặn trong các kênh, rạch vùng giáp ranh 2 tỉnh An Giang với Kiên Giang tại 2 huyện Thoại Sơn và Tri Tôn duy trì ở mức thấp (0,1-0,2‰) và đang có xu thế tăng dần.
Chủ động thích ứng
Ông Lưu Văn Ninh cho biết, từ nay đến khoảng tháng 5-2021, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông. Sang tháng 6 và 7, bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông.
Từ tháng 3, áp thấp nóng phía Tây bắt đầu phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông. Nền nhiệt độ trên toàn khu vực bắt đầu tăng mạnh, có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ tại các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú và TP. Châu Đốc. Nhiệt độ trung bình khu vực tỉnh An Giang từ tháng 3 đến tháng 5-2021 hầu hết xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ; từ tháng 6 đến tháng 8, cao hơn so với TBNN. Theo ông Ninh, nắng nóng sẽ đến muộn hơn so với TBNN, mức độ nắng nóng trên khu vực tỉnh An Giang năm 2021 không bằng so năm 2020 và có khoảng 4-5 đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất có thể xảy ra vào khoảng 35-37oC. Cần chú ý các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, nhất là khu vực rừng dọc biên giới Tây Nam và một số địa phương tại các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang dự báo, tổng lượng mưa trong các tháng 3 đến tháng 5-2021 cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 5-15%, tiếp tục xảy ra nhiều đợt mưa trái mùa trong khoảng thời gian này. Mưa chuyển mùa có khả năng bắt đầu từ khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Mùa mưa năm 2021 được dự báo bắt đầu muộn hơn so với TBNN, khoảng tuần cuối của tháng 5. Từ tháng 6-8, tổng lượng mưa hầu hết thấp hơn TBNN cùng thời kỳ, riêng tháng 7 khả năng xấp xỉ và cao hơn TBNN. Trong tháng 7, 8, có khả năng xảy ra 1-2 đợt giảm mưa. “Trong các tháng chuyển mùa (tháng 4-5) và sau các đợt giảm mưa, sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: giông, lốc, sét, mưa đá trên phạm vi toàn tỉnh” - ông Ninh cảnh báo.
Từ giữa tháng 3 đến nửa đầu tháng 5-2021, mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục giảm, tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long qua Tân Châu, Châu Đốc có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 5-20%. Thời gian này, mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông thuộc tỉnh An Giang chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, riêng khu vực nội đồng TGLX còn chịu ảnh hưởng bởi quá trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi nội vùng. Mực nước trên các sông, kênh với xu thế xuống thấp dần, trong giai đoạn này sẽ có các thời kỳ mực nước xuống mức thấp, mực nước thấp nhất năm có khả năng xuất hiện trong nửa cuối tháng 4. Đây là thời gian tập trung sản xuất vụ hè thu 2021 nên cần lưu ý.
Từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 8, lượng dòng chảy sông Mekong về hạ lưu sông tăng dần và ở mức xấp xỉ so với TBNN. Từ tháng 6-8, mực nước tại các trạm của tỉnh bắt đầu lên dần. Đến cuối tháng 8-2021, mực nước cao nhất tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng đạt mức từ 2,3-2,5m.
Độ mặn cao nhất vùng cửa sông thuộc tỉnh Kiên Giang có khả năng xuất hiện trong những đợt triều cường tháng 3, 4-2021. Do đó, độ mặn sẽ xâm nhập vào các kênh, rạch vùng giáp ranh 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang qua hệ thống kênh nhánh, tại các khu vực chưa có hệ thống cống, đập ngăn mặn. Độ mặn cao nhất tại 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn sẽ duy trì trong tháng 4, 5 và có khả năng ở mức từ 0,2-0,3‰.
“Các địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong thời gian tới và có phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, bão, lũ năm 2021” - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh đề nghị.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/san-xuat-thich-ung-voi-thoi-tiet-a300179.html