Sản xuất thủy sản, gỗ là điểm sáng nông nghiệp trong quý 1

Quý 1/2025, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định. Điểm nổi bật là sự tăng trưởng khai thác cá tra và gỗ nhờ nhu cầu mở rộng của các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội công bố sáng 6/4 của Cục Thống kê, thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật giúp sản lượng cây lâu năm đạt kết quả khá; chăn nuôi phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, sản lượng gỗ khai thác tăng cao. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng do đẩy mạnh nuôi siêu thâm canh, tăng cường ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, về nông nghiệp, tính đến ngày 20/3/2025, cả nước gieo cấy được 2,94 triệu ha lúa đông xuân, tăng 17.200 ha so với vụ đông xuân năm 2024. Các địa phương phía Bắc đạt 1,03 triệu ha, giảm 7.600 ha so với vụ đông xuân năm trước; các địa phương phía Nam đạt 1,91 triệu ha, tăng 24.800 ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,5 triệu ha, tăng 20.700 ha.

Diện tích gieo trồng tại các địa phương phía Nam tăng chủ yếu do chuyển một phần diện tích lúa vụ thu đông năm 2024 sang gieo trồng vụ đông xuân năm 2025. Các địa phương có diện tích gieo cấy lúa đông xuân tăng bao gồm Long An đạt 242.900 ha, tăng 3.900 ha; Bến Tre đạt 7.700 ha, tăng 6.900 ha; Bạc Liêu đạt 58.200 ha, tăng 13.200 ha.

Đến hiện tại, vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1,06 triệu ha lúa đông xuân, chiếm 70,3% diện tích gieo cấy và tăng 5,3% cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 72 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 10,9 triệu tấn, tăng 109.000 tấn.

Các địa phương phía Bắc đang tiến hành chăm sóc lúa đông xuân đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng thuận lợi, đạt tỷ lệ đẻ nhánh tối ưu đồng thời tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại. Các trà lúa xuân sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa trà xuân muộn đang giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh.

Tính đến ngày 20/3, vùng ĐBSCL đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2024 - 2025. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng đạt 191.800 ha, tăng 8.700 ha so với vụ mùa năm trước chủ yếu do người dân mở rộng diện tích gieo trồng trên nền đất nuôi tôm không hiệu quả. Năng suất lúa mùa vùng ĐBSCL năm nay ước đạt 52,7 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với vụ mùa năm trước do ảnh hưởng mưa trái mùa trong giai đoạn lúa trổ bông; sản lượng ước đạt 1 triệu tấn, tăng 35.400 tấn.

Tính đến ngày 20/3, tiến độ gieo trồng một số cây rau màu vụ đông xuân như rau đậu các loại, ngô tăng so với cùng kỳ năm trước; diện tích lạc, khoai lang, đậu tương giảm chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.

Về cây lâu năm, sản lượng cây ăn quả quý 1/2025 tăng khá so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng diện tích cho sản phẩm và tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, nông dân đã chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống cây cho năng suất cao, mẫu mã sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản lượng một số cây ăn quả chủ yếu tăng khá như sầu riêng đạt 162.400 tấn, tăng 16,8% YoY; chuối đạt 708.900 tấn, tăng 5,6% YoY; xoài đạt 194.200 tấn, tăng 5,3% YoY…

Trong những tháng đầu năm, nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với áp dụng hiệu quả các biện pháp khoa học kỹ thuật, tăng cường đầu tư chăm sóc nên sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm quý 1/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước như dừa, hồ tiêu, chè búp…

Về chăn nuôi, tính đến cuối tháng 3/2025, lượng trâu, bò nuôi có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp (giảm lần lượt 3,5% và 0,1% so với cùng kỳ). Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt khi tăng lần lượt 3,3% YoY và 3,2% YoY. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh được kiểm soát, giá bán thịt lợn hơi tăng 19,9% YoY trong quý 1, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn khi giảm quy mô sản xuất ở những hộ nhỏ lẻ và phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn có quy trình khép kín với giá thành sản xuất thấp hơn.

Tuy nhiên, theo GSO, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, thực hiện tốt quy định không cho phép chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Tính đến ngày 24/3/2025, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Sơn La; dịch viêm da nổi cục còn ở Sơn La, Quảng Ngãi và dịch tả lợn châu Phi còn ở 10 địa phương chưa qua 21 ngày.

Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 3/2025 ước đạt 24.500 ha, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,8 triệu cây, tăng 1,7%. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng đạt 1,68 triệu m3, tăng 13,1% do giá gỗ nguyên liệu ở mức cao, thời tiết thuận lợi nên người dân ở nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ khai thác như Quảng Ninh tăng 39,3% so với cùng kỳ, Quảng Ngãi tăng 36,9%, Phú Thọ tăng 17,7%, Thanh Hóa tăng 9,2%.

Tính chung quý 1/2025, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 45.600 ha, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 24,2 triệu cây, tăng 4,4%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 4,34 triệu m3, tăng 16,6% do nhu cầu tăng cao ở các thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 3/2025 đạt 69,2 ha, giảm 57,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rừng bị chặt, phá là 39,7 ha, giảm 57,9% YoY; diện tích rừng bị cháy là 29,5 ha, giảm 57,5% YoY. Tính chung quý 1/2025, cả nước có 216 ha rừng bị thiệt hại, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 167,1 ha, giảm 8,3% YoY; diện tích rừng bị cháy là 48,9 ha, giảm 30,2% YoY.

Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 3/2025 ước đạt 750.500 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 421.400 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, sản lượng cá đạt 306.400 tấn, tăng 5,5% YoY; tôm đạt 65.200 tấn, tăng 5,7% YoY; thủy sản khác đạt 49.800 tấn, tăng 3,3% YoY.

Sản lượng cá tra tháng 3/2025 ước đạt 155.800 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do xuất khẩu sang thị trường chính là Mỹ và châu Âu được mở rộng, đồng thời do giá cá tra nguyên liệu tăng. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra nguyên liệu trong tháng 3/2025 dao động từ 30.500 - 31.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng so với cùng kỳ năm 2024.

Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng ước đạt 42.800 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 18.500 tấn, tăng 3,7% YoY. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước do diện tích thả nuôi đến kỳ thu hoạch, và việc áp dụng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng.

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 3/2025 ước đạt 329.100 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 251.700 tấn, tăng 1% YoY; tôm đạt 12.100 tấn, tăng 1,6% YoY; thủy sản khác đạt 65.300 tấn, tăng 2,2% YoY.

Tính chung quý 1/2025, sản lượng thủy sản ước đạt 1,99 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 1,11 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá tăng 5,4% YoY, tôm tăng 5,5% YoY, thủy sản khác tăng 2,5% YoY.

Một số địa phương có sản lượng thủy sản nuôi trồng quý 1/2025 tăng khá so với cùng kỳ năm trước như Bạc Liêu tăng 12,2%; Sóc Trăng tăng 11,6%; Đồng Tháp tăng 10,9%; Long An tăng 9,2%; Kiên Giang tăng 8,5%; Cần Thơ tăng 8,1%…

Ước tính quý 1/2025, sản lượng thủy sản khai thác đạt 879.800 tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 673.600 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; tôm đạt 32.400 tấn, tăng 0,1% YoY; thủy sản khác đạt 173.800 tấn, tăng 0,8% YoY.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/san-xuat-thuy-san-go-la-diem-sang-nong-nghiep-trong-quy-1-40104.html