Sản xuất vaccine - phía sau một ngành công nghiệp đặc biệt

Khi dịch Covid-19 bùng nổ khắp toàn cầu thì điều mà tất cả mong muốn nhất là câu chuyện giải pháp nào để loại trừ con virus mang cái tên mỹ miều Corona. Một trong những 'đầu việc' trọng điểm của WHO suốt thời gian qua là liên tục hối thúc các nước nghiên cứu thuốc điều trị và vaccine.

Nhưng việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine chưa bao giờ là chuyện dễ dàng cho dù ngành công nghiệp sản xuất vaccine được xem là một trong những ngành công nghiệp giàu sức cạnh tranh nhất.

Càng nhiều dịch bệnh, doanh thu càng… khủng

Mệnh đề oái ăm và có phần đáng ghét này lại chính là thực tế không thể chối bỏ của ngành công nghiệp sản xuất vaccine toàn cầu. Năm 2019 vừa qua, theo thống kê của nhà phân tích dữ liệu Statista, sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm như cúm, cúm heo, viêm gan và Ebola đã khiến doanh số bán vaccine trên toàn thế giới đạt 54 tỷ USD, như vậy tăng gần gấp đôi so với tổng doanh thu toàn ngành năm 2014. Trước đó, năm 2010, tổng doanh thu toàn ngành đạt 25,3 tỷ USD và GSK dẫn đầu với 23% thị phần, tiếp theo đó là Sanofi với 17%, Pfizer với 13%, Merk với 12% và Novartis với 11%. Năm 2014, tổng doanh thu toàn cầu ngành vaccine ước đạt 33,14 tỷ USD. Trong đó, hãng Merck dẫn đầu với hơn 5,86 tỷ USD, xếp sau đó là Pfizer với 5,84 tỷ USD, Sanofi với 5,25 tỷ USD, GSK với 4,49 tỷ USD và Novartis đứng cuối với 1,53 tỷ USD. Năm 2020, doanh thu của ngành công nghiệp này ước đạt 60 tỷ USD.

Ngành công nghiệp vaccine toàn cầu hiện nay được cho là đang bị chi phối bởi những “ông lớn” bao gồm GlaxoSmithKline Plc (GSK) của Anh, Merck & Co của Mỹ, Novartis của Thụy Sĩ, Pfizer của Mỹ và Sanofi Pasteur Pháp. Đáng chú ý nhất là GSK. GSK là một trong những công ty dẫn đầu về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, phát minh và phát triển trên phạm vi rộng những sản phẩm mang tính đột phá trong 3 lĩnh vực chính: dược phẩm, vaccine và chăm sóc sức khỏe. Thành lập năm 2000, GSK hoạt động thương mại trên 150 quốc gia, với 86 mạng lưới sản xuất trên 36 nước và các trung tâm nghiên cứu phát triển lớn ở Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ và Trung Quốc.

Tốn kém và rủi ro cao

Vaccine mang lại cho các hãng dược phẩm khoản lợi nhuận không nhỏ, tuy nhiên, trên thực tế, để có được đồng tiền doanh thu ấy, doanh nghiệp cũng phải hết sức chật vật. Sản xuất vaccine luôn được xem là một quy trình ngốn tiền của, công sức và đặc biệt là rủi ro hơn nhiều việc sản xuất các sản phẩm khác. Theo bà Jo LeCouilliard - Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn chăm sóc sức khỏe đa quốc gia GlaxoSmithKline (GSK)- một trong những “ông lớn” trong ngành công nghiệp vaccine toàn cầu, việc sản xuất vaccine là một quy trình phức tạp và đòi hỏi thời gian từ 6-26 tháng. Hơn thế nữa, trước khi được đưa vào sử dụng, mỗi lô vaccine sẽ phải trải qua hàng trăm cuộc kiểm nghiệm chất lượng nghiêm ngặt nhất. Chưa hết, quá trình cấp phép rất dài hoặc dễ bị rút phép là những minh chứng điển hình cho sự tốn kém và rủi ro này.

Trên thực tế, đã xảy ra rất nhiều những sự vụ cho thấy sự rủi ro của ngành sản xuất vaccine. Năm 2018, chính quyền Philippines đã cương quyết đòi tập đoàn Sanofi Pasteur trả đủ 3,5 tỷ peso với lý do Sanofi đã không giữ đúng cam kết là vaccine Dengvaxia - chống lại dịch sốt xuất huyết Dengue - hoàn toàn an toàn và hiệu quả, khiến 9 trẻ em Philippines được cho là đã bị thiệt mạng do loại vaccine này. Cũng năm 2018 tại Trung Quốc đã xảy ra vụ bê bối lớn chưa từng có khi điều tra của chính phủ nước này cho biết một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất Trung Quốc, Changchun Changsheng Bio-technology, đã ngụy tạo hồ sơ sản xuất vắc xin dại. Ít nhất 252.600 liều vaccine DPT (phòng 3 bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván) không đạt chuẩn đã được công ty bán cho tỉnh Sơn Đông và đã được tiêm cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi ở 8 thành phố. Điều này đã khiến hơn 215.000 trẻ em ở Trung Quốc đã bị tiêm vaccine không đạt chuẩn. Tại Mỹ năm 2010, vaccine Pandemrix ngừa cúm heo do GlaxoSmithKline sản xuất đã bị ngừng lưu hành sau đó do tác dụng phụ gây buồn ngủ nhiều lần trong ngày cho một số người.

Vaccine trị Corona - sẽ có trong 3 tháng nữa

Đó là lời hứa hẹn đến từ nước Mỹ. Công ty Dược phẩm Inovio (Mỹ) cho biết họ đang tiến hành các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng loại vaccine phòng chống Covid-19 được họ phát triển trong vòng 3 giờ. Hiện vaccine được thử nghiệm trên chuột. Tiếp theo, nó sẽ được thử trên một nhóm bệnh nhân. Nếu tất cả diễn ra theo kế hoạch, vaccine có thể đến tay công chúng vào đầu mùa hè này. Inovio cũng từng nghiên cứu chế vaccine cho các loại virus gây dịch Zika, Ebola hay Mers.

Trước đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khiến dư luận lo lắng khi cho biết, hiện tại chưa có vaccine hoặc loại thuốc đặc chủng nào cho điều trị dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra và thế giới có thể phải chờ 18 tháng nữa để có lô vaccine đầu tiên. WHO cũng hối thúc các nước chia sẻ dữ liệu nhằm thúc đẩy nghiên cứu về bệnh viêm phổi gây ra bởi chủng virus Corona mới (2019-nCoV). WHO cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thuốc điều trị, phương pháp chẩn đoán và vaccine phòng ngừa trong bối cảnh lo ngại gia tăng về khả năng lây lan của virus Corona.

Thực ra chưa cần tới lời kêu gọi của WHO, mức độ nguy cấp của Covid-19 đã khiến ngay lập tức các quốc gia, các tổ chức đã lao vào cuộc đua bào chế ra vaccine trị Corona. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết việc điều chế vaccine gặp khó khăn do có nhiều công đoạn và virus Corona mới đột biến quá nhanh. Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma đã tuyên bố tài trợ 100 triệu nhân dân tệ, khoảng 14 triệu USD, trong đó gần một nửa sẽ dành cho việc phát triển vaccine chống virus nCoV-2019. Liên minh Sáng kiến phòng, chống dịch bệnh (CEPI) đang đầu tư hàng triệu USD vào 4 dự án trên thế giới nhằm đẩy nhanh tiến độ điều chế vaccine phòng ngừa dịch bệnh do Covid-19. Viện Pasteur Pháp đang điều chỉnh vắc xin phòng sởi để chống lại dịch bệnh do Covid-19. Tuy nhiên, Pháp dự kiến phải mất hơn 20 tháng, vaccine này mới được đưa vào sử dụng. Một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) cũng bắt đầu thử nghiệm loại vaccine phòng ngừa dịch bệnh do Covid-19 trên chuột và hy vọng vào cuối năm nay sẽ có một loại vaccine thử nghiệm khả thi phù hợp để sử dụng cho con người. Trung tâm Phòng và Kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc (CDC) cũng bắt đầu nghiên cứu điều chế vaccine phòng, chống dịch bệnh do Covid-19. Ngày 10/2, CDC cho biết, một loại vaccine chống dịch bệnh do Covid-19 đã bắt đầu được thử nghiệm trên động vật. Để bảo đảm an toàn, các cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên con người có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 4/2020.

Như vậy, dễ thấy là dù quá trình sản xuất, bào chế ở đâu thì hầu hết các chuyên gia cho biết khung thời gian ngắn nhất để phát triển vaccine là khoảng một năm. Vì thế, một loại vaccine hiệu quả để “trị” “cô Corona” - chỉ có cách là chờ đợi và hy vọng.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/san-xuat-vaccine--phia-sau-mot-nganh-cong-nghiep-dac-biet-post73912.html