Sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc
Vải thiều Bắc Giang từ lâu đã là đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Với hương vị thơm ngon, độ ngọt thanh đặc trưng và màu sắc bắt mắt, vải thiều không chỉ làm hài lòng người tiêu dùng trong nước mà còn chinh phục cả những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, châu Âu và đặc biệt là Hoa Kỳ. Trước diễn biến mới về áp thuế của Hoa Kỳ đối với sản phẩm nhập khẩu, việc sản xuất vải thiều năm nay cần thích ứng để chủ động giữ vững thị trường tiềm năng này và các thị trường khác.
Năm 2016, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình nâng tầm thương hiệu nông sản Việt. Từ đó đến nay, sản lượng vải xuất khẩu sang Hoa Kỳ tuy chưa lớn nhưng mang giá trị chiến lược vì thể hiện khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe và tạo nền tảng để thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối toàn cầu.

Người dân thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) chăm sóc vải xuất khẩu. Ảnh: Trịnh Lan.
Tuy nhiên, từ ngày 9/4/2025, chính sách áp thuế nhập khẩu 10% của Hoa Kỳ với nhóm hàng trái cây tươi trong đó có vải thiều bắt đầu có hiệu lực. Không chỉ dừng lại ở đó, nguy cơ mức thuế này có thể bị đẩy lên tới 46% trong thời gian tới đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu đây có còn là một “cơ hội vàng” hay sẽ trở thành thử thách cho vải thiều Bắc Giang trên đất Hoa Kỳ? Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu nhập khẩu trái cây nhiệt đới cao với tổng kim ngạch nhập khẩu các loại trái cây tươi năm 2024 đạt hơn 20 tỷ USD. Trong đó, trái cây từ Đông Nam Á chiếm khoảng 15% nhưng Việt Nam hiện vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Điều này đồng nghĩa với tiềm năng mở rộng thị phần cho vải thiều là rất lớn. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của cộng đồng người gốc Á tại Hoa Kỳ, nhất là tại các bang như California, Texas, New York... là lực đẩy tiêu thụ vải thiều. Hơn nữa, các chuỗi siêu thị chuyên thực phẩm châu Á và cửa hàng thực phẩm sạch đang ngày càng phát triển, tạo “kênh” để vải thiều Bắc Giang tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng.
Tuy nhiên muốn “đặt chân” vào thị trường Hoa Kỳ, vải thiều Bắc Giang phải vượt qua nhiều rào cản khắt khe, từ tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình chiếu xạ trước khi xuất khẩu cho đến các yêu cầu về đóng gói, truy xuất nguồn gốc, bảo quản lạnh và vận chuyển dài ngày. Bên cạnh đó, chi phí logistics sang Hoa Kỳ vẫn còn cao. Việc vải thiều có thời gian bảo quản ngắn khiến thời gian vận chuyển và bảo quản trở thành bài toán khó, nhất là khi kết hợp với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ.
Chính sách thuế 10% từ Hoa Kỳ là tín hiệu đáng lưu tâm nhưng không phải không thể vượt qua. Trong khi đó, nguy cơ mức thuế 46% là “cảnh báo đỏ” buộc chúng ta phải chủ động thay đổi tư duy sản xuất, mô hình xuất khẩu và cách xây dựng thương hiệu.
Chi phí để đưa vải thiều đến tay người tiêu dùng Hoa Kỳ không chỉ dừng ở khâu sản xuất mà còn bao gồm hàng loạt chi phí sau thu hoạch như: Chiếu xạ, sơ chế, vận chuyển, kho lạnh, kiểm dịch, chứng nhận an toàn thực phẩm... Khi thuế nhập khẩu tăng lên 10%, các doanh nghiệp có thể vẫn còn dư địa để thích nghi nhờ lợi thế chi phí sản xuất thấp, giá vật tư ổn định và mô hình sản xuất nhỏ gọn, linh hoạt. Tuy nhiên, nếu mức thuế bị đẩy lên 46% như một số tín hiệu thị trường đã cảnh báo thì khả năng cạnh tranh của vải thiều Việt Nam sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Lúc này, vải thiều của các nước như Thái Lan, Mexico, Peru với lợi thế về khoảng cách địa lý, hệ thống logistics sẵn có.... sẽ là những “ứng cử viên” sẵn sàng thay thế vải thiều của Bắc Giang trên kệ hàng siêu thị Hoa Kỳ nếu chúng ta không hành động kịp thời.
Trước nguy cơ lớn, sản xuất vải thiều Bắc Giang cần chuyển mình quyết liệt, từ khâu canh tác đến chế biến và xuất khẩu. Thứ nhất, chuẩn hóa vùng trồng và quy trình sản xuất, cần mở rộng diện tích đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; áp dụng công nghệ số cảm biến khí hậu, tưới tự động, phần mềm quản lý nông trại; rải vụ thu hoạch hợp lý.
Thứ hai, giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm: Sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học để giảm chi phí đầu vào; đa dạng hóa hình thức sản phẩm thay vì chỉ xuất khẩu quả tươi; cần đẩy mạnh chế biến sâu như: Vải sấy dẻo, nước ép, vải đông lạnh, mứt vải, trà vải…; cần tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến để giảm phụ thuộc vào logistics nhanh và thời gian bảo quản ngắn.
Thứ ba, tăng cường liên kết chuỗi và logistics: Xây dựng các chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp xuất khẩu – logistics – nhà phân phối...; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, có cơ sở sơ chế, kho lạnh, chiếu xạ tại miền Bắc nhằm giảm thời gian vận chuyển, hạ giá thành, bảo đảm chất lượng; cần tiếp tục hỗ trợ từ chính sách Nhà nước để thu hút đầu tư hạ tầng logistics chuyên biệt cho trái cây xuất khẩu.
Thứ tư, truy xuất nguồn gốc và thương hiệu: Phổ cập mã QR, truy xuất nguồn gốc; quảng bá thương hiệu “Vải thiều Bắc Giang” tại các hội chợ quốc tế, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba....
Chính sách thuế 10% từ Hoa Kỳ là tín hiệu đáng lưu tâm nhưng không phải không thể vượt qua. Trong khi đó, nguy cơ mức thuế 46% là “cảnh báo đỏ” buộc chúng ta phải chủ động thay đổi tư duy sản xuất, mô hình xuất khẩu và cách xây dựng thương hiệu. Nếu được hỗ trợ kịp thời thông qua chính sách thương mại, đầu tư hạ tầng, xúc tiến thị trường cùng với sự nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp vải thiều Bắc Giang hoàn toàn có thể giữ vững thị trường Hoa Kỳ, thậm chí mở rộng thêm các thị trường cao cấp khác. Cơ hội vẫn còn nhưng sẽ không dành cho những ai chậm chân. Giờ là lúc sản xuất vải thiều phải chuyển mình theo hướng thông minh, bền vững và sẵn sàng thích ứng với mọi biến động toàn cầu.
Với trách nhiệm của mình, hiện nay Sở Nông nghiệp và Môi trường cử cán bộ bám sát vùng trồng, khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất; theo sát diễn biến thực tế để tham mưu kịp thời. Các ngành, địa phương cũng đang phối hợp để xúc tiến, thực hiện đồng bộ các biện pháp để vải thiều giữ vững thị trường, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các thị trường khác trong vụ vải này.